Quảng Nam trở thành trung tâm dược liệu với cây sâm Ngọc Linh là chủ lực
Kinhtedothi - Sáng 10/5, Bộ Y tế phối hợp với tỉnh Quảng Nam tổ chức triển khai quyết định của Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực".
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam có hơn 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc. Trong đó nhiều loài có giá trị dược liệu cao, tiềm năng lớn để phát triển thành ngành công nghiệp dược liệu hiện đại. Riêng vùng duyên hải miền Trung Tây Nguyên có nhiều loại dược liệu quý có giá trị kinh tế và y tế như bách bộ, câu đằng, cẩu tích, chè dây, cốt toái bổ, dành dành, dây đau xương…
Riêng cây sâm Ngọc Linh được ví như báu vật quốc gia, một trong những loài sâm quý nhất thế giới chỉ có ở vùng núi Ngọc Linh của tỉnh Quảng Nam và Kon Tum. Loại sâm này có giá trị về mặt y học và tiềm năng kinh tế rất lớn, là động lực phát triển công nghiệp dược liệu.

Hội nghị với mục tiêu đưa Quảng Nam thành trung tâm công nghiệp dược liệu cả nước, lấy sâm Ngọc Linh là cây chủ lực.
Theo Đề án “Phát triển và hình thành trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực” đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long ký, ban hành tại Quyết định số 463/QĐ-TTg ngày 28/2/2025, giai đoạn 2025-2035 tỉnh Quảng Nam duy trì và phát triển được diện tích vùng nguyên liệu phù hợp, ưu tiên phát triển sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu có lợi thế.
Trước năm 2030, hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan, xác định mặt bằng, từng bước đầu tư xây dựng hạ tầng khu vực trung tâm công nghiệp dược liệu tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam… Giai đoạn từ 2036 - 2045 hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu công nghiệp dược liệu trên địa bàn. Đa dạng hóa các sản phẩm dược liệu, sản phẩm từ dược liệu với sâm Ngọc Linh là chủ lực…
Quảng Nam cần xác định đây là cơ hội để vươn mình trở thành trung tâm thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, chế biến và tiêu thụ dược liệu mà chủ lực là Sâm Ngọc Linh, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói, giảm nghèo vùng Tây của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết khẳng định đây là một trong những mũi nhọn đột phá để khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là kinh tế - xã hội vùng núi, vùng kinh tế khó khăn. Tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện rà soát, nghiên cứu, đề xuất các bộ, cơ quan liên quan về các cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù, vượt trội nhằm thu hút có hiệu quả hoạt động đầu tư để phát triển dược liệu và công nghiệp...
Ông Lương Nguyễn Minh Triết cho biết Quảng Nam có tiềm năng về phát triển cây dược liệu với diện tích đất tự nhiên là 1.057.474 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp là 769.756 ha; diện tích đất có rừng là 681.935,35 ha, rừng tự nhiên là 461.326,57 ha với hệ động, thực vật vô cùng phong phú. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu năm 2002, trên địa bàn tỉnh hiện ghi nhận có 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc, trong đó có 36 loài cây thuốc hiện nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”. Mới đây còn phát hiện thêm 4 loài cây thuốc chưa có tên trong Danh mục cây thuốc Việt Nam.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho rằng Việt Nam có tiềm năng lớn về công nghiệp dược liệu. Riêng Quảng Nam có thế mạnh riêng với 36 loại cây thuốc, là thủ phủ sâm Ngọc Linh, có quy hoạch trên 15.000 ha cho phát triển dược liệu. Do đó, Đề án có nhiều kỳ vọng, đặt ra mục tiêu phấn đấu góp phần phát triển công nghiệp dược liệu cho Quảng Nam, khu vực, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, khu vực.
Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Nam chủ động rà soát chính sách. Chính phủ sẵn sàng lắng nghe xem cơ chế, chính sách có gì đặc thù, phù hợp không. Quảng Nam chủ trì, các địa phương liên quan phối hợp. Địa phương phải làm sao khi nghĩ đến Quảng Nam là biết đến trung tâm công nghiệp về dược liệu, sâm Ngọc Linh.
“Dược liệu có ý nghĩa đa ngành, đa lĩnh vực. Trồng dược liệu phát triển được nguồn cho y tế, tạo điều kiện cho bà con nông dân, đặc biệt là người dân vùng cao. Cả y học, nông nghiệp, kinh tế” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì triển khai Đề án, phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ cụ thể. Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ hướng dẫn kỹ thuật canh tác và bảo tồn giống sâm. Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các địa phương trong tỉnh cần đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào trung tâm công nghiệp dược liệu.
Việc triển khai Đề án không chỉ giúp sâm Ngọc Linh khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế mà còn mở ra cơ hội phát triển cho ngành dược liệu Quảng Nam, tạo sinh kế bền vững cho người dân địa phương và góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia
Kinhtedothi-Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu bảo tồn, xây dựng và phát triển cây sâm Ngọc Linh thành ngành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, sản phẩm chủ lực và mang thương hiệu quốc gia.

Phó Thủ tướng giao Quảng Nam hoàn thiện đề án phát triển sâm Ngọc Linh
Kinhtedothi - Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu UBND tỉnh Quảng Nam tiếp tục hoàn thiện Đề án “Phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với sâm Ngọc Linh là cây chủ lực”.

Quảng Nam đôn đốc tiến độ thực hiện dự án hơn 2.700 tỷ đồng
Kinhtedothi - Kiểm tra thực tế dự án Phát triển tích hợp thích ứng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các đơn vị phải lên phương án cụ thể để đảm bảo đúng tiến độ, đặc biệt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), giải quyết nguồn vật liệu sau khi nạo vét sông Trường Giang.