Đảm bảo nguồn thực phẩm Tết an toàn cho Thủ đô

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/12, Đoàn công tác của Ban Điều phối Chương trình cung ứng rau, thịt an toàn cho TP Hà Nội do Bộ Nông nghiệp&Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức đã làm việc với Sở NN&PTNT về việc triển khai thực hiện chương trình.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hải Dương, từ tháng 3/2015, tỉnh đã triển khai xây dựng nội dung Chương trình chuỗi cung ứng rau, thịt cho Hà Nội. Trong đó tuyên truyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm rau, thịt an toàn theo mô hình chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ.
  Đoàn công tác thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Đoàn công tác thăm mô hình sản xuất rau an toàn tại HTX Phạm Kha, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Để hỗ trợ thực hiện chương trình, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện đảm bảo chất lượng ATTP cho các tổ chức, cá nhân sản xuất chế biến rau, củ, quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã có 136,76ha diện tích sản xuất rau an toàn được chứng nhận VietGAP, 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm đẻ trứng được cấp chứng nhận VietGAP với quy mô 10 vạn con, 1 cơ sở chăn nuôi gia cầm thịt được chứng nhận VietGAP quy mô 5.000 con/lứa.

Tỉnh Hải Dương đã tổ chức sản xuất, cấp giấy chứng nhận VietGAP và phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại đưa sản phẩm vải thiều Thanh Hà về thị trường Hà Nội.

Về thực hiện chuỗi giá trị, từ năm 2012 đến nay, tỉnh Hải Dương đã phối hợp với các DN xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đưa sản phẩm về hệ thống siêu thị, trong đó có thị trường Hà Nội.

Ngoài ra, hầu hết các sản phẩm nông sản cung ứng cho thị trường Hà Nội và ngoài tỉnh được thực hiện theo kênh các DN thực hiện chuỗi sản xuất và tiêu thụ như Hiệp hội cá lồng huyện Nam Sách, Hiệp hội gà đồi Chí Linh, HTX Thủy sản sạch Xuân Nẻo (Tứ Kỳ)… Tuy nhiên, khó khăn là chưa tạo được nhiều sản phẩm chủ lực, chưa nắm được tổng thể các đầu mối DN liên kết trong khuôn khổ chương trình.

Thực chất hiện nay, tỉnh Hải Dương mới cung ứng nông sản cho thị trường Hà Nội theo hình thức tìm đầu ra chung cho sản phẩm Hải Dương. Việc cam kết tiêu thụ chưa đi vào thực chất, các DN vẫn phải tự chủ động. Ông Lê Đình Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hải Dương chia sẻ, Hải Dương có nhiều sản phẩm lợi thế, đã cung cấp cho thị trường Hà Nội nhưng vai trò định hướng, tạo lập sản phẩm chính vẫn chưa có hành lang pháp lý như cam kết sản xuất của nông dân Hải Dương gắn với hợp đồng thu mua của các DN Hà Nội.

Để tháo gỡ những khó khăn này, trong chương trình làm việc, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã mời một số DN phân phối, tiêu thụ nông sản thực phẩm tại Hà Nội cùng đi. Tại buổi làm việc, các DN và cơ quan quản lý chuyên ngành của Hà Nội đã trao đổi về tiêu chí, yêu cầu đối với sản phẩm đưa về thị trường Thủ đô cho phía sản xuất tại Hải Dương.

Ông Nguyễn Như Tiệp – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, thực hiện chương trình công tác của Ban Điều phối Chương trình chuỗi cung ứng rau thịt, an toàn cho Hà Nội, Bộ NN&PTNT thành lập đoàn kiểm tra tại một số địa phương, trong đó có Hải Dương. Việc kiểm tra nhằm đánh giá tình hình sản xuất thực tế tại địa phương, đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong sản xuất VietGAP, đặc biệt là kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, qua đó, đảm bảo thực phẩm an toàn cung cấp cho thị trường Hà Nội, trước hết là dịp Tết Nguyên đán Bính Thân.

Trước đó, Đoàn công tác đã tới thăm một số cơ sở sản xuất nông nghiệp an toàn của tỉnh Hải Dương như: Sản xuất rau an toàn tại HTX Phạm Kha (huyện Thanh Miện), HTX Phạm Trấn (huyện Gia Lộc), cơ sở chăn nuôi gia cầm đẻ Tám Lợi (TP Hải Dương).