Đảm bảo tính khả thi

Thuần Hưng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm chăm lo tốt hơn đến đời sống, nơi ăn chốn ở của người có thu nhập thấp, cụ thể hóa chủ trương của Đảng, từ năm 2014, Nhà nước ban hành chính sách quy định về phát triển xây dựng nhà ở xã hội từ quỹ đất 20%.

Trải qua bao biến thiên của thời gian, đô thị hóa ngày tăng cao, việc sử dụng quỹ đất 20% vì thế ít nhiều bị “lợi dụng”.

Theo quy định, tại các đô thị loại đặc biệt, loại 1, loại 2 và loại 3, chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của Chính phủ. Kể từ năm 2014 đến nay, đã có sự điều chỉnh, bổ sung của pháp luật nhưng về cơ bản, quỹ đất 20% được giữ nguyên. Dẫu vậy, việc đáng bàn là không ít chủ đầu tư đã lách luật dưới hình thức nộp tiền với dự án dưới 10ha nhưng địa phương lại không dùng để xây dựng nhà ở xã hội. Rồi có chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây dựng nhà ở thương mại, phần quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội thì không để tâm.

Để chấn chỉnh tình trạng này, đã nhiều lần cơ quan chức năng tổ chức thanh, kiểm tra và đã có kết luận xử lý trong việc sử dụng nhà ở xã hội. Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội đã có văn bản gửi Thanh tra Bộ Xây dựng danh sách 23 dự án nhà ở thương mại, nhà ở, khu đô thị thuộc diện thanh tra việc dành 20% quỹ đất dự án để xây nhà ở xã hội.

Trong đó có 7 dự án nhà ở thương mại, nhà ở: Khu tái định cư Đông Hội, Đông Anh (17,42ha), nhóm nhà ở Tây Nam Mễ Trì (18,67ha), khu nhà ở văn phòng, nhà trẻ 622 Minh Khai, khu nhà ở Tây Mỗ (22,66ha), nhóm nhà ở Đông Nam đường Lê Văn Lương kéo dài (9,17ha), khu nhà ở Minh Đức (173,56ha), khu nhà ở xã Uy Nỗ, Đông Anh (85,84ha). Cùng với đó, còn có 16 dự án khu đô thị thuộc diện thanh tra, rà soát việc dành quỹ đất xây nhà ở xã hội như Khu đô thị Nam đường Vành đai 3, Khu đô thị Thịnh Liệt, Khu đô thị mới CEO Mê Linh, Khu đô thị mới Đại Kim, Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh, Khu đô thị Gia Lâm…

Việc rà soát này nhằm nhìn nhận và đánh giá lại tổng thể hiệu quả quỹ đất nhà ở xã hội đã sử dụng hoặc chưa qua sử dụng, từ đó có phương án hợp lý để hoạch định chính sách trong tương lai. Đồng thời cũng là dịp để cơ quan chức năng chấn chỉnh hoạt động của những DN, chủ đầu tư các dự án chuyển đổi, sử dụng quỹ đất xây nhà ở xã hội không đúng mục đích, không phù hợp với quy hoạch ban đầu, đi chệch hướng so với chủ trương nhân văn của Chính phủ, Bộ Xây dựng.

Xây dựng phát triển nhà ở xã hội là chính sách giàu ý nghĩa, nhân văn của Đảng, Nhà nước dành cho những người có khó khăn về nhà ở, sớm có nơi an cư để ổn định cuộc sống. Xã hội ngày càng phát triển, kinh tế ngày càng đi lên nhưng thực tế, nhu cầu về nhà ở xã hội của Nhân dân hiện nay vẫn rất lớn. Việc siết chặt quản lý, tăng cường thanh, kiểm tra để đưa quỹ đất 20% sớm vào sử dụng đúng mục đích là cần thiết, đảm bảo tính khả thi của pháp luật…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần