Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đảm bảo trật tự đô thị, đất đai, Phòng cháy chữa cháy tại Hà Nội: Đeo bám, xử lý dứt điểm các tồn tại

Quốc Toản
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cùng các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã chủ trì hội nghị giao ban trực tuyến giữa Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND TP với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2017 về đảm bảo trật tự ATGT, công tác quản lý đất đai và phòng cháy, chữa cháy (PCCC).

 Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận tại buổi giao ban. Ảnh: Thanh Hải 
Đánh giá cao những nỗ lực, chuyển biến của các lĩnh vực thời gian qua, tuy nhiên Bí thư Thành ủy cho rằng, các cấp, các ngành vẫn phải “đeo bám” quyết liệt hơn, giải quyết triệt để với những giải pháp, trách nhiệm cụ thể.

Còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm

­­Theo Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất mà đặc biệt là đối với đất công, đất nông nghiệp còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Tình trạng sử dụng đất công, đất nông nghiệp không đúng mục đích; tình trạng lấn, chiếm đất nông nghiệp, đất công và xây dựng công trình trái phép còn phổ biến ở nhiều địa phương chưa được xử lý dứt điểm, chưa kết luận làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan. “Có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm xử lý vi phạm trong quản lý đất đai tại một số phường, xã, thị trấn, gây bức xúc trong dư luận, dẫn đến khiếu nại, tố cáo phức tạp, các cơ quan chức năng của TP phải vào cuộc để xử lý” - Giám đốc Sở TN&MT nêu rõ

Trong khi đó, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết thêm, Sở đã kiểm tra hơn 14.483 công trình xây dựng (đạt 100%) có quy mô từ công trình nhỏ đến các dự án lớn cấp TP, cấp bộ quản lý. "So với cùng kỳ năm 2016, Sở đã kiểm tra không bỏ sót công trình nào. Khi người dân gọi điện, nhắn tin, chỉ sau 2 tiếng, đoàn kiểm tra đã có mặt. Với những công trình có sai phạm vượt thẩm quyền, đoàn kiểm tra sẽ có báo cáo và nếu thuộc thẩm quyền thì giải quyết luôn” - ông Lê Văn Dục nhấn mạnh.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Báo cáo kết quả PCCC 9 tháng qua, Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết: Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn... Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Qua thống kê, số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản vẫn có dấu hiệu gia tăng (trung bình từ 600 - 800 vụ/năm). Ngay rạng sáng 25/9, một vụ cháy tại thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ đã làm 2 người tử vong, cho thấy mối nguy hiểm lớn từ hỏa hoạn.

Thời gian qua, Cảnh sát PCCC TP phối hợp Sở Xây dựng và các quận, huyện, thị xã đã điều tra, thống kê toàn bộ các nhà chung cư cao tầng xây dựng không có giấy phép, xây dựng sai phép không đảm bảo yêu cầu về PCCC. Đồng thời, công khai danh sách 79 công trình nhà cao tầng chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng, đã có 19/79 công trình khắc phục các vi phạm về PCCC, còn tồn tại 60/79 công trình đang tiếp tục triển khai thực hiện...

Giám đốc Cảnh sát PCCC cho biết: Chuyển biến trong nhận thức của người đứng đầu, của người dân về công tác tự phòng ngừa vẫn chưa cao, còn lơ là, chủ quan, chưa chấp hành đầy đủ các quy định về PCCC. Việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ còn mang tính chất đối phó; vẫn còn nhiều vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, chậm trễ khắc phục kiến nghị của cơ quan Cảnh sát PCCC...
 Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng  kiểm tra giám sát một công trình xây dựng trên địa bàn.   Ảnh: Linh Nguyễn
Về vấn đề này, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam cho rằng: Cần quy định rõ trách nhiệm của Chủ tịch các quận, huyện, xã, phường. Nhấn mạnh thêm công tác xử lý sai phạm chưa thực sự quyết liệt khi đã có quy trình cụ thể, ông Nam nói: “Chắc chắn, sắp tới, HĐND TP sẽ tiếp tục chất vấn về việc các công trình vi phạm về PCCC đã chuyển cho Cảnh sát PCCC Hà Nội được xử lý đến đâu, có triệt để không?”.

“Cá thể hóa” trách nhiệm

Phát biểu kết luận hội nghị, biểu dương sự quyết liệt, tính trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở trong việc khắc phục những tồn tại trong 3 nội dung rất thời sự này, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề nghị: Các cấp, ngành phải tiếp tục “đeo bám” những vấn đề đang tồn tại để xử lý dứt điểm. “Những nội dung này người dân đều rất quan tâm, mong muốn có tiến bộ, mỗi tháng, mỗi năm phải khác lên” - Bí thư Thành ủy nói. Đồng thời chỉ rõ, những trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, đất đai, PCCC... phát sinh trong năm 2017 phải được kiên quyết xử lý, “cá thể hóa” trách nhiệm, đưa vào đánh giá cán bộ, không để việc "trôi" đi mà không ai chịu trách nhiệm. Công tác tuyên truyền cũng phải được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là việc phổ biến các quy định pháp luật về đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hơn nữa ý thức của người dân và rõ trách nhiệm của từng sở, ngành; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.

Về công tác đảm bảo trật tự, ATGT, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải yêu cầu: UBND TP cùng với các địa phương chỉ đạo quyết liệt triển khai các dự án để cải thiện hạ tầng giao thông. Bên cạnh việc TP tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Hà Nội thẩm quyền lớn hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, các cơ quan cũng phải tập trung làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư. “Chúng ta phải coi đây là giải pháp hết sức “nước sôi lửa bỏng”, bởi với một siêu đô thị sẽ quá tải, không thể lề mề được” - Bí thư Thành ủy nói. Đồng thời yêu cầu các ngành chức năng phải xử lý nghiêm việc người dân không chấp hành đội mũ bảo hiểm, xe taxi dù, xe ba bánh tự chế và một số điểm dừng đón khách dư luận đã nhiều lần phản ánh, gây mất trật tự đô thị.

Liên quan đến PCCC, người đứng đầu Đảng bộ TP nhấn mạnh, tình hình vẫn rất xấu dù đã tăng cường xử lý cán bộ, tăng cường kiểm tra. Ngay sau vụ cháy quán Karaoke ở phố Trần Thái Tông, các lực lượng đã tiến hành rà soát, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên, còn nhiều trường hợp chưa “thấm”. Theo Bí thư Thành ủy, “đi đường vẫn nhìn thấy các biển quảng cáo lớn bịt hết mặt tiền, rất nguy hiểm”, nên phải tổng kiểm tra, xử lý lại. Đối với các chung cư vi phạm điều kiện PCCC mà chưa khắc phục xong cũng vậy, cần phải kiểm tra thường xuyên, quyết liệt hơn.

Đề cập đến nguy cơ cháy nổ tại mỗi hộ gia đình, Bí thư Thành ủy cho rằng phải thực hiện tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để người dân hiểu, tự giác thực hiện các quy định PCCC. “Làm sao mỗi hộ phải xây dựng được phương án PCCC cho riêng mình, nếu có cháy thì mọi người thoát hiểm theo đường nào, cách nào” - Bí thư Thành ủy nói và yêu cầu lãnh đạo các địa phương từ xã, phường đến quận, huyện, thị xã phải cùng vào cuộc với lực lượng PCCC trong công tác tuyên truyền, nắm bắt, kiểm tra.

Thiếu tướng Đinh Văn Toản - Phó Giám đốc Công an TP:

11 giải pháp đảm bảo trật tự giao thông, đô thị

Trật tự đô thị, trật tự công cộng tiếp tục được duy trì ổn định, các vi phạm lớn về lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh, trông giữ phương tiện đã giảm. Tình trạng chợ “cóc” họp không đúng quy định cũng cơ bản được giải quyết. Các bục bệ, cầu dẫn, mái che, mái vẩy vi phạm hành lang ATGT, gây mất mỹ quan đô thị đã được người dân và các lực lượng chức năng tháo dỡ để bộ mặt đô thị khang trang, sạch sẽ.
Tuy nhiên, các vi phạm về trật tự đô thị tại một số nơi, tại một số thời điểm chưa được xử lý triệt để. Còn xảy ra tình trạng chiếm dụng lòng đường, hè phố để kinh doanh, buôn bán, trông giữ phương tiện không đúng quy định (chủ yếu vi phạm của các cửa hàng bia hơi, hàng ăn uống, karaoke, cà phê...), thời gian vi phạm diễn ra chủ yếu vào buổi trưa và buổi tối.

Bên cạnh đó, trong khu vực nội thị, trên một số tuyến quốc lộ tại một số huyện ngoại thành, số vụ TNGT và số người chết còn cao. Tính từ giữa tháng 6/2017 đến giữa tháng 9/ 2017, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 357 vụ TNGT làm 144 người chết, 262 người bị thương. So với cùng kỳ năm 2016 giảm 41 vụ tai nạn, tăng 10 người chết, giảm 52 người bị thương.

Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng các phương tiện giao thông di chuyển khó khăn tại địa bàn các quận nội thành, trên các trục tuyến chính, các tuyến đường, phố tập trung đông người trong giờ cao điếm, nhất là tại 41 tuyến, điểm giao thông có nguy cơ xảy ra tình trạng ùn tắc. Tình trạng người điều khiển xe mô tô, xe đạp điện tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm; chở quá số người quy định; sử dụng rượu bia; vi phạm liên quan đến xe 3, 4 bánh tự sản xuất, tự lắp ráp; vi phạm liên quan đến phương tiện quá khổ, quá tải... còn diễn ra, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến TNGT. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, CATP đã kiểm tra xử lý 194.442 trường hợp, phạt hành chính hơn 58 tỷ đồng, tạm giữ 5.623 phương tiện. 

Để bảo đảm trật tự ATGT, trật tự đô thị và trật tự công cộng trên địa bàn, TP đã đề xuất 11 giải pháp. Trọng tâm là lực lượng chức năng sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát lưu động, tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn tới ùn tắc và TNGT. Cùng với đó, sẽ đẩy mạnh xử lý vi phạm giao thông đường bộ qua hệ thống camera giám sát.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục:
Kiểm tra 100% công trình xây dựng

Sau kỳ họp HĐND TP vừa qua, từ ngày 10/7 - 26/8, 5 đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng đã rà soát tại 30 quận, huyện, thị xã, thống kê tất cả công trình vi phạm tồn đọng. Kết quả đã giải quyết được 176 trường hợp và còn 240 trường hợp vi phạm đang tiếp tục được xử lý. Đoàn kiểm tra sẽ lập biên bản với chủ đầu tư và đưa ra đề xuất kịp thời gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện chịu trách nhiệm quản lý địa bàn.

Các vi phạm trên đất nông nghiệp qua rà soát còn 153 trường hợp mới xảy ra, chủ yếu trên đất dân tự san nền, tranh thủ ban đêm hoặc ngày nghỉ để xây dựng. So với cùng kỳ năm 2016, số công trình được kiểm tra đạt 100%. Số vi phạm giảm 548 trường hợp. Số công trình giải quyết nhanh hơn cùng kỳ là 12%. Công tác quản lý đất đai, xử lý vi phạm đối với các trường hợp lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn TP thời gian qua đang đi vào nền nếp, có nhiều tiến bộ. Các vi phạm xảy ra chỉ trong phạm vi nhỏ, không phải là vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Nguyễn Nguyên Quân:

Quyết liệt cưỡng chế, khắc phục hậu quả

Vi phạm về đất đai đã tồn tại nhiều năm qua, nguyên nhân chủ yếu do công tác kiểm tra, xử lý còn yếu, mới quan tâm xử lý hành chính mà chưa quyết liệt cưỡng chế, khắc phục hậu quả.

Trách nhiệm xử lý đối với các vi phạm về trật tự xây dựng và quản lý đất đai thuộc chủ tịch cấp xã. Do đó, lãnh đạo cấp xã cần tăng cường trách nhiệm trong quản lý đất đai; xử lý vi phạm, áp dụng kiên quyết cưỡng chế theo thẩm quyền và quan tâm đến tuyên truyền để các hộ dân chấp hành các quy định pháp luật.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì Vũ Văn Nhàn:

Buộc ngừng hoạt động nếu không đủ trang bị phòng cháy chữa cháy

Để nâng cao hiệu quả PCCC, UBND huyện đã thành lập tổ công tác kiểm tra toàn bộ nhà cao tầng, chợ, trường học... về công tác PCCC. Đối với các cơ sở không bảo đảm yêu cầu, quy định về PCCC, UBND huyện có văn bản nhắc nhở, yêu cầu khắc phục. Sau đó, tổ công tác kiểm tra lại, nếu cơ sở vẫn không bảo đảm buộc phải ngừng hoạt động để hoàn thiện các trang bị PCCC theo quy định.