Má tôi bảo, có những ngày nhiều quá phải phân công từng thành viên trong gia đình đi cho đủ mặt.Quê tôi miền sông nước, đám cưới ở đây có gì khác với những vùng miền khác?
Tôi nghĩ cũng na ná vậy thôi, trầu - cau ở đâu mà chẳng vậy. Chỉ có điều, dăm năm nay đám cưới nhà quê mang một cung bậc mới: Có những xe hoa được rước thiệt xa, xa xa lắm về một miền đất lạ.
Hôm nay là một ngày như thế. Con bé Út mới mười tám tuổi được gả cho chú rể xứ Đài đã ngoại ngũ tuần. Chị Ba, mẹ của cô dâu, bảo: “Thằng A Sừng rể tôi nó là kỹ sư đó chú Năm, chỉ có điều tuổi nó hơi cao so với con nhỏ nhà này. Thôi kệ, cái duyên trời xe cái que trời buộc”.
Nghe vậy tôi biết vậy, còn mấy bà trong xóm nhiều chuyện lại cứ bàn tán xì xầm: Hổng ham tiền thì chẳng ai gả con về cái xứ xa tít mù khơi như dậy!
Tiệc cưới được tổ chức tại nhà gái, rạp đã được dựng từ hai ngày trước, ngay đầu ngõ là chiếc cổng hoa “ vu quy” nổi bật dưới những hàng cây. Má và tôi đến đúng giờ trong thiệp mời nhưng vẫn vắng hoe, cô dâu đi làm tóc ở một tiệm trên phố cũng chưa về.
Gia chủ đon đả mời má con tôi ngồi, đoạn kêu mấy đứa nhỏ châm trà, bày thuốc. Giọng chị Ba xởi lởi:
- Bà và chú thấy hông, hồi nào nó còn bé tẹo, vậy mà nay đã lấy chồng ngoại… được như vầy ông nhà tôi chắc cũng ngậm cười nơi chín suối.
- Ai làm mai cho cháu hả chị?Câu hỏi vô duyên của tôi làm chị Ba lúng túng, tay rót trà tràn cả ra bàn, má tôi cười xòa đỡ lời:
- Thì vợ chồng Tư “mối” ở thị trấn chớ ai! Người Đài, người Hàn sang đây kiếm vợ đều một tay nhà ấy…
Đến đây, khách khứa bắt đầu đến lác đác, chị Ba vội chạy đi chào mời. Vừa kéo ghế ngồi, bà Bảy đã bỏ nhỏ với má tôi:
- Bữa nay nhà này sướng nhé.
- Sướng cái nỗi gì… gả con xa xứ…
-Hừm… xa… nhưng… đô la… đậm!
– bà chủ đại lý vé số duy nhất ở thị trấn cười híp cả mắt
- Trời! Cái bà này… Vừa lúc đó thì ông Sáu “ tài tử” xuất hiện. Hôm nay ông mặc quần tây, áo sơ mi dài tay, cài măng sết, thắt cà vạt đàng hoàng. Ông đứng đầu một nhóm chuyên giúp vui các đám tiệc, đám cưới bằng những ngón đờn ca tài tử thâu đêm.
Hôm nay ông được chị Ba tín nhiệm nhờ đại diện cho nhà gái. Thế nên, trông ông trịnh trọng hẳn ra khác xa vẻ lãng tử thường ngày của một nông dân mê văn nghệ.Khách đến mỗi lúc một đông, ai cũng phục trang nghiêm chỉnh, nhất là các bà, các cô trong những bộ áo dài, bỏ lại sau lưng vẻ thường ngày lam lũ.
Cô dâu từ tiệm trang điểm trở về vừa đúng lúc, bé Út lộng lẫy trong bộ sườn xám hồng bó sát, đường xẻ dài bên hông càng tôn thêm cặp chân dài như người mẫu thời trang.
Đúng lúc đó: “Nhà trai đến!” - lũ trẻ con vừa chạy vừa la hét nháo nhào. Không khí thật khẩn trương, chộn rộn.
Ông Sáu “ tài tử” đứng bật dậy…Nhà trai chỉ vỏn vẹn năm người bước ra từ chiếc taxi bảy chỗ kết hoa. Chú rể A Sừng đi cùng một người chẳng hiểu là cha hay chú.
Còn lại là vợ chồng Tư “ mối” và một người vận khăn đóng áo dài vào vai chủ lễ.Sau khi tuyên bố lý do và trình sính lễ đưa sang nhà gái, tay chủ lễ người Việt cất giọng đều đều:
- Bây giờ trước bàn thờ gia tiên, xin mời hai họ chứng kiến cho đôi trẻ làm lễ thành thân…Có tiếng khúc khích: Chèn đét ơi! So le thế mà đôi trẻ nỗi gì?
Sau khi múa may đèn, nhang một hồi, tay chủ lễ, hô:
- Nhứt… bái… thiên địa… a…Cô dâu chú rể lạy bàn thờ gia tiên một lạy.
- Nhị… bái… cao đường… a…Cô dâu chú rể lạy bàn thờ gia tiên hai lạy.
- Phu thê… giao bái… a…Cô dâu chú rể quay mặt lại xá nhau.
Có tiếng xì xầm: Sao giống phim Tàu quá há!…
Phần lễ kết thúc nhanh chóng như khi nó bắt đầu. Hai họ vào tiệc hơi bị lặng lẽ chứ không ồn ào như trước nay vẫn vậy. Tôi cũng lặng lẽ nâng ly, mắt bỗng chạm chiếc xe hoa bảy chỗ. Lát nữa nó sẽ quay lại Sài Gòn, rước cô dâu về đâu nơi xứ lạ?