Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đam mê, sáng tạo sẽ thành công

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Khi khởi nghiệp, tìm những nghề ít đối thủ cạnh tranh, chọn địa điểm sản xuất, kinh doanh phù hợp, kinh doanh bằng cả trái tim và không ngừng học hỏi bạn sẽ thành công” là chia sẻ của vị Chủ tịch HĐQT 32 tuổi Vương Công Văn - Công ty CP Đầu tư thương mại Thiên Bằng (Công ty Thiên Bằng) về con đường khởi nghiệp.

Khởi nghiệp với 30 triệu đồng
Sinh ra trong một gia đình nghèo tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, từ nhỏ Vương Công Văn đã được rèn rũa tính tự lập, làm mọi việc, kiếm tiền, phụ giúp bố mẹ. Tốt nghiệp Đại học Điện lực, chuyên ngành Kỹ thuật điện năm 2008 và học thêm văn bằng hai Đại học Bách Khoa Hà Nội, Văn nhanh chóng tìm được việc làm trong ngành điện. Thời gian công tác ở đó, anh luôn phải chứng kiến cảnh công nhân bị tai nạn lao động do không có đồ bảo hộ. Vậy là anh nảy ra ý tưởng kinh doanh về lĩnh vực này.

Anh Vương Công Văn (ngoài cùng bên phải) cùng đối tác nước ngoài.               Ảnh: Trần Thảo

Anh bắt đầu ý tưởng năm 2010 bằng một cửa hàng nho nhỏ kinh doanh về lĩnh vực bảo hộ lao động với số vốn khởi nghiệp 30 triệu đồng. Khởi đầu chỉ có 5 nhân công, sau thời gian chịu khó tìm tòi, đổi mới kinh doanh, DN đã phát triển thành Công ty Thiên Bằng. Anh Văn kể: “Ban đầu, vợ chồng tôi phải tự đi xe máy về các tỉnh Nam Định, Vĩnh Phúc để tìm nhà cung cấp, sau đó "lấy ngắn nuôi dài", tự đi tiếp thị khắp mọi nơi, bán buôn, bán lẻ cho các công ty khoảng 20 mặt hàng phổ biến của công nhân như quần áo, giày dép bảo hộ”. Do cung cấp sản phẩm chuẩn ra thị trường, dần dần, công ty có nhiều khách hàng quen.
DN hàng đầu trong lĩnh vực bảo hộ lao động

Nhận thấy kinh doanh mặt hàng bảo hộ lao động chủ yếu từ những đồ có sẵn không hiệu quả, anh Văn đẩy mạnh nghiên cứu để sáng tạo ra những mẫu mã mới đẹp, chất lượng cao, phù hợp với từng vị trí của người lao động. Anh đã sáng tạo ra nhiều đồ bảo hộ phù hợp với từng loại hình làm việc của người lao động như người đứng máy sản xuất, người sản xuất trong kho lạnh... Sản phẩm ra thị trường được đón nhận nhiệt thành do giá thành rẻ, mẫu mã phong phú, chất lượng. Cũng từ đây công ty đã tạo nên lợi thế cạnh tranh về giá cả mà chất lượng, mẫu mã không thua kém hàng ngoại nhập. Ngoài ra, anh còn tận dụng sự phát triển của CNTT để khách hàng có thể đặt hàng qua website... Công ty Thiên Bằng vì thế ngày càng được biết đến rộng rãi và được quan tâm hơn; sản phẩm của công ty ngày càng được các tập đoàn và tổng công ty lớn "hỏi thăm".

Đến năm 2013, công ty đã có gần 200 mặt hàng cả nhập khẩu và sản xuất với doanh thu 15 tỷ đồng/năm. Năm 2014, công ty hướng đến xuất khẩu một số mặt hàng với doanh thu đạt 25 tỷ đồng và năm 2016 là 30 tỷ đồng với lợi nhuận 15%. Hiện nay, Công ty Thiên Bằng có 2 cơ sở tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 1 xưởng sản xuất đặt tại Vĩnh Phúc, với hơn 100 công nhân. Lương trung bình của mỗi công nhân khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng.

Cần mẫn góp nhặt từng ngày như con ong chăm chỉ, sau 7 năm khởi nghiệp, bằng chính ý chí, tài năng, lòng kiên trì cùng với đam mê kinh doanh, anh Văn đã đưa DN đi đến thành công. Công ty Thiên Bằng trở thành một trong những DN đi đầu cả nước trong lĩnh vực sản xuất và phân phối trang thiết bị bảo hộ lao động – phòng cháy chữa cháy: Quần áo bảo hộ lao động, găng tay, mũ, kính mắt, giầy, ủng bảo hộ... với doanh thu hàng năm tăng trưởng khoảng 30%, có quan hệ đối tác với nhiều khách hàng là những tập đoàn xây dựng, điện lực...