Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đạm Ninh Bình sẽ tiếp tục lỗ nặng trong 2017

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù kết quả kinh doanh có lạc quan nhất, trong năm nay, nhà máy đạm Ninh Bình vẫn có thể lỗ hàng trăm tỷ đồng.

Mới đây, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) đã thông qua phương án sản xuất của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình chủ đầu tư của nhà máy đạm Ninh Bình. Theo đó, tình hình kinh doanh của nhà máy này trong năm 2017 được dự kiến sẽ tiếp tục thua lỗ.
 Nhà máy đạm Ninh Bình đã ngừng hoạt động được nửa năm
Cụ thể, nếu dừng toàn bộ nhà máy như thực tế đã diễn ra từ tháng 7/2016 đến nay, tổng số lỗ sẽ lên đến 1.200 tỷ đồng trong năm 2017. Tuy nhiên, nếu quay sang sản xuất đạm ure với số lượng dự kiến là 290.000 tấn, số lỗ sẽ giảm xuống còn 250 tỷ đồng.
Hiện tại, nhà máy đạm Ninh Bình đã bố trí 23 tỷ đồng để mua vật tư chuẩn bị cho khởi động lại máy và vận hành sản xuất nửa đầu tháng 1/2017. Bên cạnh đó, nhà máy cũng triệu tập được 904 công nhân quay trở lại làm việc.
Nhà máy Đạm Ninh Bình do Vinachem đầu tư là một trong những dự án thua lỗ điển hình của ngành Công thương. Có tổng vốn lên đến 667 triệu USD tương đương 12.000 tỷ đồng nhưng từ khi đi vào hoạt động (2012) cho đến nay nhà máy này liên tục rơi vào tình trạng thua lỗ.
Tính đến tháng 9/2016, nhà máy này đã có tổng số lỗ là 2.692 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các khoản vay ngân hàng cũng đang là gánh nặng lớn, khi khoản vay dài hạn đã hơn 8.375 tỷ đồng và vay ngắn hạn là hơn 1.746 tỷ đồng, nợ quá hạn lên tới hơn 610 tỷ đồng.

Trước đó, tại phiên chất vấn của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 11/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khi nói về các dự án thua lỗ có nguy cơ phá sản của ngành Công thương (trong đó có dự án nhà máy đạm Ninh Bình), đã khẳng định có thể tính tới bán hoặc thậm chí tuyền bố phá sản nếu cần thiết.

Các hành vi vi phạm pháp luật và cố tình làm sai trong quản trị, quản lý các dự án sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí có thể xem xét xử lý hình sự, Bộ trưởng Công Thương khẳng định.