Kinhtedothi - Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam vừa chính thức được UNESCO vinh danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tin vui cho di sản Việt, nhưng cũng là nỗi lo trước tình trạng thích công nhận, và công nhận xong thì mặc kệ của nước ta.
Hồ sơ thuyết phục
Phát biểu trước toàn thể phiên họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể diễn ra tại Paris, đại diện Ban Thẩm định hồ sơ của công ước 2003 nhấn mạnh: "Chúng tôi đưa ra kết luận rằng hồ sơ dân ca ví giặm của Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra. Ban Thẩm định nhận thấy hồ sơ rất thuyết phục".
Ảnh minh họa.
|
Theo Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh "đáp ứng những tiêu chí để đăng ký vào Danh sách đại diện". Hồ sơ di sản đã làm nổi bật tính trao truyền của di sản từ thế hệ này sang thế hệ khác trong cộng đồng cư dân Nghệ Tĩnh. Việc UNESCO ghi danh dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh có thể góp phần thúc đẩy nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể này. Hồ sơ cũng đã đề ra các biện pháp bảo vệ như nâng cao nhận thức, giáo dục và phát huy được đề xuất với sự hỗ trợ tài chính của các cơ quan Nhà nước và địa phương. Hồ sơ đề cử được xây dựng với sự tự nguyện tham gia của cộng đồng, chính quyền địa phương, các tổ chức chuyên ngành, các chuyên gia và cùng cam kết bảo vệ...Theo đánh giá của nhạc sĩ Đặng Hoành Loan - người có công trong quá trình tìm hiểu, sưu tầm nghệ thuật này, cũng là người có vai trò phản biện hồ sơ: "Dân ca ví giặm có nhiều giá trị nghệ thuật mang tầm cỡ nhân loại. Di sản chứa đựng 21 loại hình âm nhạc tự do và âm nhạc có nhạc điệu cố định. Ước chừng, ví giặm xuất hiện từ thế kỷ thứ XVII nhưng có sức lan tỏa mạnh. Trải qua thời gian, loại hình di sản này có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng".
Công nhận xong đừng... để đấy
Tỏ ra vui mừng trước thông tin ví giặm được UNESCO công nhận, nhưng theo GS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho biết: "Điều quan trọng của di sản không phải là công nhận mà là bảo vệ, bảo tồn, phát huy. Việt Nam rất thích công nhận nhưng công nhận xong lại mặc kệ, không làm nhiều việc để bảo tồn, đó là chưa nói đến phá hoại di sản". Xét dưới góc độ thực tiễn và nghiên cứu thì việc bảo tồn di sản ví giặm không tiêu hao quá nhiều tiền của. "Bởi vì, thú chơi nghệ thuật dân gian của quần chúng không bao giờ là tốn kém. Ví giặm không sợ mai một, rất nhiều người biết hát. Trong khi các di sản khác lo đất sống thì sự phát triển của ví giặm khiến người ta yên tâm. Cái quan trọng là động viên, khích lệ người chơi, tạo điều kiện cho họ trình diễn, chứ không phải cho họ quần áo, miếng cơm. Nhược điểm của chúng ta là ngày lễ, ngày hội thích hoành tráng mà quên nghệ thuật dân gian, điều này đã góp phần làm thui chột tinh thần biểu diễn trong quần chúng" - nhạc sĩ Đặng Hoành Loan cho biết.
Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đều cam kết sẽ có chiến lược bảo tồn phù hợp, trong đó rất chú trọng việc truyền dạy cho các thế hệ trẻ.
Ngoài ra, đãi ngộ cho nghệ nhân cũng là chính sách bảo tồn của hai đơn vị này. Chắc chắn, sau khi được công nhận, dân ca ví giặm sẽ càng có cơ hội phát triển và thực hành, thu hút khách du lịch, nhưng nhạc sĩ Đặng Hoành Loan lưu ý nên đưa du lịch về với di sản, không nên đưa di sản ra trình diễn ở một số khu du lịch như hiện nay. Bài học của quan họ, hát xoan đem trình diễn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ở các liên hoan... đã phần nào làm giảm bớt giá trị di sản, bởi không gian diễn xướng nguyên gốc thay đổi.
Để làm sao bảo tồn dân ca ví giặm nói riêng và di sản phi vật thể nói chung được hiệu quả, theo các chuyên gia Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Di sản được phát triển theo đúng quỹ đạo, nghệ nhân được cấp phép và tạo điều kiện hành nghề. Nếu làm được điều đó chắc chắn khi mỗi di sản được UNESCO công nhận bên cạnh niềm vui sẽ không bao gồm nhiều nỗi lo như bây giờ.