Dân khổ vì thiếu nước sạch

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng ngàn hộ dân trên địa bàn quận Thanh Xuân, Hoàng Mai trong những ngày nóng bức đang khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt.

Nguyên nhân là do nhu cầu dùng nước của người dân tăng cao dẫn đến một số khu vực cuối nguồn không có nước sinh hoạt. Nắng nóng kéo dài nên nỗi khổ vì mất nước khiến người dân vô cùng bức xúc. Theo phản ánh của hàng trăm hộ thuộc địa bàn các phường Khương Hạ, Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội), ngày 20/5 đã diễn ra tình trạng mất nước kéo dài khiến không ít nhà phải sơ tán đi sang nhà người thân để sinh hoạt hoặc phải đi xin nước về để sử dụng. Tình trạng thiếu nước, không có nước sinh hoạt trong những ngày nắng nóng khiến cuộc sống của hàng ngàn hộ dân nơi đây càng trở nên đảo lộn.
 
Mọi dụng cụ trong gia đình bà Hiền Lương, phòng 505, nhà H1, Kim Giang đều được tận dụng                  để chứa nước.	Ảnh: Xuân Hồng
Mọi dụng cụ trong gia đình bà Hiền Lương, phòng 505, nhà H1, Kim Giang đều được tận dụng để chứa nước. Ảnh: Xuân Hồng

Sinh hoạt đảo lộn

Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên đã xuống tìm hiểu thực tế. Ông Lê Quốc Chuyên (56 tuổi, ở hẻm 29, tổ 5, cụm 4, Khương Đình) bức xúc cho biết: "Khổ quá các chú ơi, nhà tôi mất nước liên tục, gia đình tôi phải đi xin nước về sinh hoạt, tôi đóng tiền nước đầy đủ nhưng cấp nước kiểu này thì chúng tôi phải lên công ty hỏi cho ra vấn đề". Tương tự, chị Lê Thị Lan (số nhà 30, ngõ 29/70 Khương Hạ, Thanh Xuân) đã sống nhiều ngày nay trong cảnh thiếu nước trầm trọng phản ánh: "Cách đây 6 - 7 ngày nguồn nước nhà tôi bắt đầu ít dần, hiện tại nhà tôi không có nước để dùng phải đi xin nước về để sử dụng". Ông Nguyễn Duy Từ (76 tuổi), tổ trưởng tổ 41 bức xúc phải ánh: "Tình trạng mất nước trên diện rộng thuộc khu vực tổ tôi quản lý là có, thỉnh thoảng nhà nào có máy bơm hút trục tiếp từ đường ống dẫn nước khoảng 5 - 6 tiếng thì mới có nước dùng tạm. Người dân ai cũng bức xúc". Theo nhiều người dân ở đây đã gần nửa tháng nay khu vực này tình trạng mất nước sạch xảy ra thường xuyên khiến người dân không có nước để dùng. Nhiều gia đình chủ động dùng máy bơm nước từ giếng khoan không đảm bảo vệ sinh để sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt.  

Không chỉ phường Khương Trung, Khương Đình bị thiếu nước, trong những ngày qua tại Khu tập thể Kim Giang, phường Kim Giang cũng bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Ông Vũ Quốc Độ - Phòng 503, nhà H1, phường Kim Giang cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra từ đầu năm 2014 nhưng khoảng vài tuần trở lại đây, tình trạng này xuất hiện với tuần suất và cường độ ngày càng dày. Ban đầu vào mỗi buổi sáng đơn vị cấp nước bơm nước phục vụ hàng trăm người dân của tòa nhà trong vòng… 30 phút (từ 6 giờ - 6 giờ 30 - PV). Tuy nhiên, mấy ngày trở lại đây, việc bơm nước theo lịch không hiểu vì sao bị dừng đột ngột. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tình trạng trên không chỉ diễn ra tại nhà H1 mà đã và đang diễn ra tại các tòa nhà H2. H3, A1, A12, A13.
Từ những phản ánh của người dân, khoảng 15 giờ ngày 20/5, chúng tôi đã gọi điện đến 2 số điện thoại của Công ty VIWACO là 04.62511520 và 04.62511521 được in trên hóa đơn thanh toán tiền nước hàng tháng của các hộ dân. Tuy nhiên, những gì chúng tôi nhận được chỉ là những thông tin khô khan, vô cảm từ hộp thư thoại như, "Quý khách đang gọi điện đến Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch, mọi thông tin liên quan đến vỡ đường ống nước, mất nước. Quý khách vui lòng để lại lời nhắn sau tiếng bíp".
Thiếu nước... vì mất điện?

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Anh Việt - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (VIWACO) - đơn vị cung cấp nước sạch cho các khu vực nói trên cho biết, tình trạng mất nước kéo dài như người dân phản ánh là đúng. Hiện, công ty đã tiến hành rất nhiều cuộc họp để tìm hiểu nguyên nhân. Qua xác minh nắm tình hình, có thể nói có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, trong những ngày qua, ở nhà máy nước Sông Đà Hòa Bình xảy ra sự cố mất điện một vài lần. Thứ hai, do nhu cầu dùng nước mùa hè của người dân tăng cao, tăng từ 10 - 15% so với trước, thậm chí thời gian "chớm" hè tăng đột biến lên đến 40%. Thứ ba, do áp lực nước trong tuyến ống bị giảm từ 2,53kg/cm2 xuống còn 2,1kg/cm2 khiến việc cung cấp nước cho các khu vực gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy nó không đẩy được nước đi nhanh mặc dù nước trong ống vẫn có, những hộ ở xa là nước chảy rất yếu, thậm chí không có.

Cũng theo ông Việt, hiện tại, Công ty đã triển khai nhiều biện pháp để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người dân. Nhưng về lâu dài, ngoài việc đề nghị nhà máy nước Sông Đà phải tăng ấp suất nước, tăng cường độ tin cậy của đường ống truyền tải nước, công ty cũng đề nghị người dân có chế độ tích nước hợp lý và sử dụng nước tiết kiệm.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu phóng viên được biết do đường ống cấp nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội thường xuyên bị vỡ, do đó nhà máy nước giảm áp suất bơm nước trong đường ống. Công suất của nhà máy là khoảng 220.000m3/ngày, đêm, nhưng nhu cầu người dân sử dụng vào những ngày nắng nóng tăng lên 260.000m3/ngày đêm do vậy nhiều nơi cuối nguồn nước bị thiếu nước trầm trọng.
Tại khu vực Định Công, Hoàng Mai cũng xảy ra trường hợp mất nước tương tự. Theo quy định khi mất nước Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nước sạch (VIWACO) phải thông báo cho khách hàng về việc dừng cấp nước nhưng công ty đã không làm, đẩy người dân vào thế khó. Để có nước sinh hoạt, người dân đã phải khôi phục lại giếng khoan bị ô nhiễm, dừng hoạt động cách đây hàng chục năm. Thậm chí, nhiều gia đình đã phải bỏ ra 120.000 đồng để mua… 500 lít nước sạch, mức giá cao gấp hơn 20 lần giá Nhà nước quy định.