Dán nhãn rau an toàn từ gốc: Tháo gỡ đầu ra

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Cuối tuần qua, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã tiến hành gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm rau an toàn (RAT) xã Văn Đức, huyện Gia Lâm.

Đây được coi là hướng mới nhằm tháo gỡ đầu ra cho RAT trên địa bàn thành phố.

Xã Văn Đức là một trong những vùng sản xuất RAT lớn nhất của Hà Nội với tổng diện tích chuyên canh đạt 250ha, trong đó diện tích rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là 25ha. Sản lượng rau toàn xã đạt khoảng 17.500 - 18.000 tấn/năm, tương đương 45 - 50 tấn/ngày. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn mới chỉ có một doanh nghiệp là Công ty TNHH Hương Cảnh đầu tư xây dựng nhà sơ chế và đang ký hợp đồng bao tiêu rau thường xuyên cho 25ha rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Phạm Văn Dương, Phó Giám đốc điều hành Công ty Hương Cảnh cho biết, công suất sơ chế của công ty đạt 35 tấn/ngày đêm, nhưng hiện nay lượng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP cung cấp mới chỉ đạt 3 - 4 tấn/ngày.

Việc gắn nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ cho RAT là hoạt động thiết thực triển khai Luật ATVSTP (có hiệu lực từ 1/7/2011). Theo bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội, việc dán nhãn sẽ làm thí điểm từng bước để đánh giá, nhân rộng. Trong thời gian thí điểm, cán bộ của Chi cục BVTV sẽ trực tiếp giám sát hoạt động sản xuất và gắn nhãn có biểu tượng RAT Hà Nội (có địa chỉ, số điện thoại, ngày thu hoạch) cho sản phẩm rau trước khi bán ra thị trường. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Văn Đức cho biết, việc dán nhãn truy xuất nguồn gốc đã tạo điều kiện quảng bá thương hiệu, từ đó khơi thông đầu ra cho RAT Văn Đức.

Theo ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố, việc gắn nhãn truy xuất nguồn gốc là mốc quan trọng cho sản xuất RAT của Văn Đức nói riêng và của thành phố nói chung. Bởi trong suốt những năm qua, đầu tư cho sản xuất RAT rất lớn nhưng hiệu quả chưa nhiều. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là phải giữ gìn thương hiệu, tức là sản xuất ra sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, đúng với nhãn mác đã được gắn. Do đó, cần phải kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, dãn nhãn cho RAT một cách chặt chẽ.

Ông Nguyễn Văn Thuận, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cũng cho biết, Hà Nội là địa phương có diện tích và nhu cầu tiêu dùng lượng RAT lớn. Do đó, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo triển khai chương trình thí điểm kiểm soát rau theo chuỗi từ vùng đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT đến nơi tiêu thụ. Để đảm bảo được uy tín, thương hiệu cho sản phẩm cần liên kết chặt chẽ giữa các hộ sản xuất, hợp tác xã, đơn vị quản lý chuyên ngành và cả đầu mối tiêu thụ. Làm tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, ngược lại nếu không quản lý chặt chẽ sẽ đánh mất thương hiệu sản phẩm.