Dân nhập cư và bài toán đô thị

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nội dung mới trong dự thảo luật thủ đô quy định, muốn trở thành công dân thủ đô Hà Nội, người ngoại tỉnh sẽ phải vượt qua nhiều điều kiện khá khắt khe.

KTĐT  - Nội dung mới trong dự thảo luật thủ đô quy định, muốn trở thành công dân thủ đô Hà Nội, người ngoại tỉnh sẽ phải vượt qua nhiều điều kiện khá khắt khe.

Đó là phải có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thủ đô năm năm trở lên (luật Cư trú hiện hành quy định một năm); người lần đầu đăng ký thường trú tại thủ đô phải chứng minh có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu của người lao động do pháp luật quy định. Dự thảo còn quy định, người không thường trú hoặc tạm trú tại Hà Nội muốn làm việc tại thủ đô phải có giấy phép lao động do sở Lao động, thương binh và xã hội của thành phố cấp…

Lãnh đạo Hà Nội lý giải rằng đưa ra giải pháp trên là nhằm hoá giải sức ép về gia tăng dân số đang đè nặng lên thủ đô.

Trước đó, đứng trước vấn nạn kẹt xe ngày một trầm trọng, giám đốc sở Giao thông vận tải TP.HCM Trần Quang Phượng đã đề xuất cơ quan có thẩm quyền kiến nghị Quốc hội sửa đổi luật Cư trú theo hướng siết chặt nhập cư. Ông Phượng nói do thực hiện luật Cư trú, việc nới rộng quy định về thủ tục đăng ký phương tiện giao thông cá nhân đã góp phần làm dân số thành phố và phương tiện giao thông tăng nhanh. Đề xuất này khiến nhiều người liên tưởng đến phương án của Hà Nội đưa ra cách nay mấy năm, quy định hạn chế xe ngoại tỉnh vào thành phố.

Những đề xuất giải pháp này đưa ra ở các thời điểm khác nhau và ở hai thành phố hội tụ dân nhập cư lớn nhất nước cho thấy vấn đề dân nhập cư đang là bài toán đau đầu của các cấp quản lý, nhất là về mặt hạ tầng đô thị không theo kịp tốc độ tăng dân số. Đồng thời, nó cũng cho thấy lối tư duy dai dẳng: dân nhập cư đang là gánh nặng, gây khó khăn cho việc quản lý đô thị, tạo áp lực lớn đối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội như giao thông, nhà ở, chăm sóc y tế, giáo dục…

Chính vì quan điểm xem dân nhập cư là “gánh nặng” nên họ thường bị đối xử thiếu công bằng, chịu nhiều thiệt thòi. Đã có nhiều câu chuyện đau lòng như trẻ em của các gia đình nhập cư không được đi học vì không có hộ khẩu, đi bệnh viện không được hưởng đầy đủ quyền lợi như trẻ em có hộ khẩu ở thành phố, mặc những quy định của luật Giáo dục và luật Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Thực tế nhiều năm đã chỉ ra rằng, việc hạn chế dân nhập cư bằng rào cản hành chính như hộ khẩu và những biện pháp tương tự là không hiệu quả. Nó cũng trái với một trong những quyền cơ bản mà Hiến pháp khẳng định là công dân có quyền tự do đi lại, cư trú; trái với quy luật của thị trường là ở đâu mang lại thu nhập, mang lại cơ hội mưu sinh thì người ta sẽ chuyển tới đó.

Nhiều nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng chính tình trạng nghèo đói, thu nhập bấp bênh, biến động giá cả, thiên tai, hạn hán, dịch bệnh, thiếu đất canh tác... đã đẩy nhanh tiến trình di cư từ nông thôn ra các thành phố lớn. Nói cách khác, lao động di cư nhằm mưu cầu cuộc sống tốt hơn.

Nghiên cứu của các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, người di cư là góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, xã hội của các đô thị (họ được trả công thấp hơn, làm những công việc mà cư dân đô thị lâu năm chưa chắc đã chịu làm) song những đóng góp của họ chưa được ghi nhận, thừa nhận đầy đủ. Con số được đưa ra tại hội thảo do uỷ ban Các vấn đề xã hội Quốc hội công bố cách đây không lâu cho biết dân nhập cư đóng góp cho TP.HCM khoảng 30% GDP mỗi năm.

Cần nhìn nhận việc di cư như một xu hướng xã hội tất yếu, tích cực, và cần có chính sách chăm sóc cho di dân hơn là coi di dân như là gánh nặng xã hội cần phải dứt bỏ

Ai, nếu không phải chủ yếu lao động nhập cư đang đáp ứng phần lớn nhu cầu lao động phục vụ phát triển công nghiệp ở các đô thị? Ai có thể phủ nhận đông đảo trí thức nhập cư hàng ngày đóng góp chất xám cho sự đi lên của các thành phố? Liệu có mấy người đang là cư dân đô thị từng không phải là dân nhập cư, cách này hay cách khác, vào thời điểm này hay thời điểm khác? Hay nói chuyện “đời thường”, bao nhiêu gia đình ở các đô thị sẽ gặp khó khăn khi không kiếm được người giúp việc nhà (vẫn được gọi một cách ít nhiều châm biếm là “ôsin”) mà đa số họ là ở quê lên?

Ở góc độ khác, như nhiều nghiên cứu đã dẫn chứng, quá trình di cư có thể góp phần giảm nghèo thông qua vòng tuần hoàn chu chuyển giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi đi và nơi đến. Di cư góp phần không nhỏ rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn. Đó là chưa kể, di cư cũng làm gia tăng nhu cầu địa phương về dịch vụ, hàng hoá, tạo việc làm và thu nhập cho người không di cư. Di dân cũng góp phần làm đa dạng nền văn hoá ở nơi mà họ tới.

Vì thế, cần nhìn nhận việc di cư như một xu hướng xã hội tất yếu, tích cực, và cần có chính sách chăm sóc cho di dân hơn là coi di dân như gánh nặng xã hội cần phải dứt bỏ. Với tư duy ấy, những chính sách đưa ra sẽ phục vụ cho cả cộng đồng cùng tiến về phía trước chứ không phải là tìm cách hạn chế quyền cơ bản của dân nhập cư bằng các giải pháp hành chính.

Những giải pháp thúc đẩy sự phát triển chung đó đã được bàn từ lâu, vấn đề là thực hiện như thế nào. Chẳng hạn như điều tiết hợp lý các khoản thu giữa ngân sách trung ương và ngân sách hai thành phố lớn để các thành phố này có thể đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng theo kịp với sự phát triển của đô thị. Bởi hạ tầng của hai thành phố lớn không phải là vấn đề riêng của hai thành phố và không chỉ phục vụ cho cư dân của hai thành phố này. Đó còn là việc các tỉnh thành khác có cơ chế chính sách thực sự thu hút lao động chất xám, sinh viên ra trường về tỉnh; lôi kéo các nhà đầu tư về địa phương. Khi đó nhiều người sẽ “ly nông bất ly hương”, không cần đổ về các thành phố để mưu sinh.