Ngày 4/11, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số huyện Đan Phượng tổ chức hội nghị đánh giá kết quả xây dựng mô hình “Thôn thông minh” trên địa bàn xã Song Phượng.
Đi từng ngõ, gõ từng nhà hỗ trợ chuyển đổi số
Xã Song Phượng huyện Đan Phượng có diện tích tự nhiên là 2,55km2, 4 thôn với 5.209 nhân khẩu. Là một trong những đơn vị dẫn đầu của huyện Đan Phượng và TP Hà Nội về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, xã Song Phượng không ngừng cố gắng để nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó có quy định ít nhất một mô hình “Thôn thông minh”.
Với nhận thức đây là mô hình hay, phù hợp với xu thế tất yếu của thời đại 4.0, xã Song Phượng đã triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Thôn thông minh” đến đồng loạt 4/4 thôn trên địa bàn. Chỉ trong thời gian ngắn, 15 ngày (từ 5 - 19/10) xã Song Phượng đã triển khai xây dựng mô hình “Thôn thông minh” trên nền tảng là các “Tổ tự quản thông minh” và những “Công dân số” đến 4 thôn và 36 tổ tự quản trên địa bàn xã.
Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh cho biết, xã đã thành lập 1 Tổ công nghệ số cộng đồng xã; 4 Tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng ở 4 thôn phối hợp với các Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ trưởng tổ tự quản “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vừa khảo sát, vừa hướng dẫn 100% hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số.
Đồng thời phổ cập kiến thức chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử...
Công tác tuyên truyền, quán triệt về xây dựng mô hình “Thôn thông minh”, “Tổ tự quản thông minh” được triển khai sâu rộng, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền. Từ đó nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng tham gia tích cực của đông đảo cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong xã.
Giúp người dân tiếp cận thông tin, dịch vụ nhanh chóng
Bên cạnh đó, UBND xã Song Phượng còn hướng dẫn các thôn thành lập 4 nhóm Zalo của thôn do Trưởng thôn làm Trưởng nhóm; 36 nhóm Zalo Tổ tự quản do Tổ trưởng Tổ tự quản là trưởng nhóm, thành viên là đại diện của các hộ gia đình trong tổ tự quản, mỗi gia đình cử đại diện 1 người tham gia nhóm.
Phó Chủ tịch UBND xã Song Phượng Ngô Thế Anh cho biết thêm, từ khi các nhóm Zalo được thành lập, hệ thống quản lý, trao đổi, tuyên truyền thông tin không chỉ dừng lại giữa cấp ủy, chính quyền và các thôn, mà mọi hoạt động của xã, thôn đều được truyền đạt đến 100% hộ gia đình. Từ đó, các hộ dân được tiếp cận với thông tin của xã, thôn một cách nhanh chóng, chính xác, thuận tiện hơn trước.
UBND xã Song Phượng cũng đã thành lập nhóm Zalo “Hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính tư pháp - hộ tịch” có trách nhiệm tiếp nhận, trả lời, hướng dẫn người dân về thành phần hồ sơ, quy trình giải quyết và có thể hẹn trước thời gian hoặc gửi trước thành phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính để công chức xã hướng dẫn. Từ đó người dân không phải chờ đợi lâu, giảm thời gian đi lại khi không mang đầy đủ giấy tờ như trước…
Đặc biệt, UBND xã Song Phượng, Hội Nông dân, Hợp tác xã Nông nghiệp xã đã hướng dẫn các hộ gia đình áp dụng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập, đóng góp xứng đáng vào tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Trung bình mỗi thôn trên địa bàn xã có khoảng 20 cá nhân (toàn xã có trên 80 cá nhân) sử dụng mạng xã hội và sàn giao dịch điện tử để phục vụ kinh doanh các mặt hàng từ nông sản tới tạp hóa, điện tử... mang lại tổng doanh thu khoảng trên 30 tỷ đồng/năm.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải biểu dương những kết quả đạt được của cán bộ, Nhân dân xã Song Phượng trong thực hiện mô hình “Thôn thông minh”. Tuy nhiên, ông Trần Đức Hải cũng nhấn mạnh, những kết quả mà huyện Đan Phượng, trong đó có xã Song Phượng đạt được đến nay chỉ là bước đầu, vẫn còn nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Để thực hiện được chuyển đổi số một cách toàn diện, hiệu quả và thực chất, Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải đề nghị UBND huyện, các ngành, xã, thị trấn cần phải có chiến lược bài bản, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tạo được sự thay đổi về phương thức quản lý, vận hành và quản trị xã hội.
“Trong đó, lấy người dân, DN là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu và động lực, nguồn lực để chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, DN hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển” - ông Trần Đức Hải nhấn mạnh.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng cũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 của Huyện ủy Đan Phượng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo.