Đan Phượng: Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 94%

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Nếu như năm 2008, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Đan Phượng mới đạt 31% thì đến nay sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô Hà Nội, tỷ lệ này đã đạt 81,5%. Mỗi năm huyện giải quyết việc làm thêm, việc làm mới cho trên 3.000 lao động.

Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, năm 2008, huyện có 78.515 người trong lực lượng lao động. Đến năm 2023, số người trong lực lượng lao động khoảng 114.500 người. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc hàng năm chuyển dịch theo hướng giảm lao động sản xuất nông nghiệp (còn 8,5%), tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tăng lên chiếm 91,5%.

Chương trình đối thoại về chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội do Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng tổ chức tháng 6/2023.
Chương trình đối thoại về chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội do Liên đoàn Lao động huyện Đan Phượng tổ chức tháng 6/2023.

Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn từ năm 2008 đến năm 2020 đã đào tạo trên 26.750 lượt. Trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Chính phủ là 151 lớp cho 5.247 lao động với tổng kinh phí hỗ trợ trên 7 tỷ đồng.

Ngoài ra Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Đan Phượng duy trì cho trên 1.000 học sinh theo học nghề tại cơ sở. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 đạt 81,5% (năm 2008 là 31%); hàng năm giải quyết việc làm thêm, việc làm mới cho trên 3.000 lao động. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đến năm 2023 là 94%.

Từ năm 2018 đến nay, Sàn giao dịch việc làm đã tổ chức 946 phiên giao dịch việc làm, cung cấp 1.155 thông tin thị trường lao động của doanh nghiệp, 15.109 lao động được tư vấn tuyển dụng lao động, 2.489 lao động được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp. Đồng thời tiếp nhận và giải quyết 6.650 hồ sơ về bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề cho 65 lao động thất nghiệp.

Cùng với đó, thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu giảm nghèo, huyện Đan Phượng đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa cho 611 nhà ở hộ nghèo, số tiền trên 7 tỷ đồng; hỗ trợ tiền điện cho 15.437 lượt hộ nghèo và hộ chính sách xã hội với số tiền trên 5,7 tỷ đồng. Đến năm 2023 trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. Đặc biệt, huyện thực hiện các chính sách đột xuất như hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 trong các năm 2020, 2021 và 2022 với số tiền trên 87 tỷ đồng góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Về nhiệm vụ thời gian tới, lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, huyện sẽ đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề, truyền nghề; phấn đấu tỷ lệ lao động làm việc đã qua đào tạo trên 77%, duy trì tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 10% đến năm 2025. Tỷ lệ lao động làm việc đã qua đào tạo trên 83%; tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 8% đến năm 2030; tỷ lệ lao động làm việc đã qua đào tạo trên 88%.