Hội thảo diễn ra sôi nổi với gần 100 câu hỏi của nông dân Đan Phượng gửi tới ban cố vấn giải đáp. Vấn đề chủ yếu mà nhà nông quan tâm là giải pháp làm thế nào để chuyển đổi cây trồng hiệu quả, nhất là đối với các loại cây ăn quả, rau an toàn, rau trái vụ cho giá trị kinh tế cao. Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù, trên địa bàn huyện đã có sẵn lợi thế xây dựng thành công thương hiệu "Bưởi tôm vàng Đan Phượng" nhưng trong tương lai để đáp ứng nhu cầu của thị trường, huyện cần đã dạng các loại cây trồng theo hướng an toàn, giá trị cao. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng bày tỏ mong muốn được TP, huyện tiếp tục quan tâm, đầu tư hệ thống điện sản xuất đối với diện tích vùng đất bãi sông Hồng để nông dân thuận tiện canh tác. Đan Phượng là huyện đầu tiên của TP Hà Nội được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 10/2015. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng, giai đoạn 2016 – 2020, huyện tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt. Về sản xuất nông nghiệp, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là mở rộng diện tích các loại rau, hoa, quả trái vụ được thị trường ưa chuộng. Đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các DN đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nhiều hơn nữa. Đan Phượng cũng chú trọng việc nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, phát triển trang trại, làng nghề, gắn sản xuất nông nghiệp với thị trường. Cùng với đó, đầu tư xây dựng thương hiệu cho nông sản, nâng cao giá trị hàng hóa, thu nhập cho nông dân. Trong đó, đề cao các giải pháp tạo liên kết mật thiết giữa DN với người dân, đảm bảo đầu ra nông sản cho nông dân.