Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Dân số vàng” - cơ hội để Việt Nam cất cánh

Đức Vân (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi 69% dân số trong tuổi lao động.

 Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) Mai Xuân Phương.
Đây được xem là cơ hội để nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước. Tuy nhiên, làm sao để giải quyết được những thách thức cũng như tận dụng được cơ hội vàng là bài toán không đơn giản. Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) Mai Xuân Phương đã chia sẻ với Kinh tế & Đô thị xung quanh vấn đề này.

Trên 64 triệu người trong độ tuổi lao động
Ông có thể cho biết lợi thế của cơ cấu "dân số vàng"?
- Ðặc điểm nổi bật trong thời kỳ cơ cấu vàng là dân số có khả năng lao động (từ 15 - 64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao, hiện nay chiếm khoảng 69% tổng dân số. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu “dân số vàng” thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 - 50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này.
Vậy cơ cấu dân số vàng mang lại những cơ hội gì cho Việt Nam, thưa ông?
- Nhiều quốc gia châu Á đã biết tận dụng triệt để cơ hội “dân số vàng” để tạo nên những kỳ tích trong phát triển kinh tế, đóng góp khoảng 1/3 vào tăng trưởng như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc, cơ hội này đã mang lại 15% tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua. Thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” là một cơ hội hiếm hoi để Việt Nam cất cánh như một số nước trong khu vực đã nói trên.
 Người lao động làm việc tại Công ty CP Kim khí Thăng Long, quận Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 - 200 năm sau. Hiện nay, số người trong độ tuổi lao động ở nước ta đã trên 64 triệu người - dư lợi lớn cho tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, với khoảng một nửa dân số trong độ tuổi lao động dưới 34 tuổi, thuận lợi cho việc tiếp thu khoa học, kỹ thuật và linh hoạt trong chuyển đổi nghề.

Hà Nội đang trong thời kỳ cơ cấu "dân số vàng"

Trong báo cáo phân tích số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam mới công bố, các chuyên gia nhân khẩu học đã dự báo dân số Việt Nam và dự báo cơ cấu dân số Hà Nội đến năm 2020 cho thấy, về nhóm dân số trẻ của Hà Nội (từ 0 - 14 tuổi) cũng là nhóm dân số phụ thuộc trẻ có sự tăng nhẹ sau 5 năm, từ 23,7% năm 2015 lên 24,3% năm 2020. Như vậy, vào năm 2020 cứ 4 người dân Hà Nội thì có 1 người trong nhóm dân số trẻ.

Theo nhóm tuổi dân số cao tuổi, vào năm 2015 Hà Nội thực sự bước vào quá trình già hóa dân số, với 10,6% dân số từ 60 tuổi trở lên, tỷ lệ này tăng lên 12,7% vào năm 2020. Nghĩa là, vào năm 2020 cứ 100 người Hà Nội thì có 13 người trong độ tuổi từ 60 trở lên. Tuy nhiên, nếu tính dân số cao tuổi từ 65 trở lên (những người thuộc nhóm dân số phụ thuộc già) thì có sự giảm đi khá rõ tỷ lệ của nhóm dân số này.

Năm 2015 tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15 - 64) của Hà Nội chiếm 69,23% và tỷ trọng dân số phụ thuộc là 30,76%. Năm 2020, các tỷ trọng tương ứng là 67,57% và 32,41%. Như vậy, từ nay đến năm 2020, dân số Hà Nội vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số "vàng", tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động cao gấp hai lần tỷ trọng dân số phụ thuộc.

Mỗi năm, nước ta có từ 1,5 - 1,6 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế, vì có trên 70% là lao động giản đơn. Sự thiếu hụt trầm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao và lao động dịch vụ cao cấp trong các ngành thương mại, tài chính, ngân hàng, du lịch... là những thách thức không nhỏ đặt ra cho giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”.
Đừng để tuột mất cơ hội
Thưa ông, mặc dù Việt Nam đang nằm trong thời kỳ "dân số vàng" nhưng tốc độ già hóa dân số cũng đang là một thách thức rất lớn mà Việt Nam phải đối mặt?
- Nhiều ý kiến cho rằng, để đưa đất nước đi lên, phát triển bền vững, tránh được "bẫy thu nhập trung bình" và đương đầu được với thách thức của thời kỳ hậu "dân số vàng", cần tận dụng những vận hội do cơ cấu “dân số vàng” mang lại.
Theo đó, thông qua đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao, cả ở trong và ngoài nước, hạn chế tiêu dùng xa xỉ để nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư. T
ôi rất tâm đắc với câu nói của GS Nguyễn Đình Cử - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Dân số, Gia đình và Trẻ em: “Mỏ vàng không khai thác thì còn, cơ cấu “dân số vàng” nếu không khai thác thì sẽ hết. Bởi vậy, nhận rõ, nắm bắt và tận dụng cơ hội này càng sớm càng tốt, không chỉ là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, quản lý mà còn là của mỗi người dân”.
Nhưng để ứng phó với những thách thức của cơ cấu "dân số vàng" không phải là một bài toán dễ, thưa ông?
- Cần chớp lấy thời cơ "dân số vàng" nhưng cũng phải chủ động ứng phó với thách thức. Một thực tế là phần lớn những người học càng cao thì cơ hội có được việc làm tương xứng lại càng khó, nhiều sinh viên đại học ra trường 2 - 3 năm nhưng vẫn chưa thể kiếm được việc làm.
Theo thống kê cách đây chưa lâu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐTB&XH) có thể thấy một điều rất lạ là người có bằng cấp càng cao thì nguy cơ thất nghiệp càng lớn. Trong khi đó, người không có bằng cấp lại có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.
Với xu hướng già hóa dân số ngày càng nhanh trong tương lai, thâm hụt của nhóm cao tuổi ngày càng tăng thì thách thức chính sách đảm bảo an sinh xã hội là không nhỏ. Do đó, cơ hội chuyển thành “dư lợi dân số” chỉ còn vài năm nữa, nếu không thay đổi năng suất lao động thì dư lợi dân số đang dương sẽ trở về 0 vào năm 2019 hoặc 2020, sau đó sẽ là số âm.
Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì trong thời điểm này?
- Thực tế, cơ hội “dân số vàng” không tự động mang lại tác động tích cực mà nó phải được “giành lấy” để “đẻ” ra lực lượng lao động vàng, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Nếu giai đoạn “dân số vàng” diễn ra trùng với thời kỳ kinh tế ổn định, hệ thống giáo dục đảm đương tốt việc cung cấp tri thức, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động thì sẽ trở thành động lực mạnh của nền kinh tế. Ngược lại, nếu cơ hội không được chớp lấy thì đất nước phải đối mặt với những thách thức mới. Mà trước tiên là lực lượng đông đảo trong độ tuổi lao động thiếu việc làm, người thất nghiệp dễ mắc tệ nạn xã hội, trở thành gánh nặng cản trở sự phát triển của đất nước. Như vậy, “dân số vàng” sẽ không có giá trị nếu không thực sự “vàng” về tri thức và tay nghề.
Xuất phát từ những vấn đề nêu trên, để phát huy lợi thế của cơ cấu “dân số vàng” cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Đó là duy trì vững chắc mức sinh thay thế nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”, làm chậm quá trình già hóa dân số.
Đồng thời tăng cường cơ hội việc làm, hướng đến những việc làm tạo giá trị tăng cao dựa trên năng suất lao động, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn, các ngành sử dụng nhiều lao động; mở rộng nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động… Đặc biệt, tận dụng và phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” thông qua chương trình phối hợp liên ngành cũng như vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân của cả nước.
Xin cảm ơn ông!