Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Dân vận khéo” trong hoạt động hòa giải

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận. “Dân vận khéo” trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, gắn với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) sẽ giúp người dân giải quyết những khó khăn, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống.

Hoà giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng là phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội có từ lâu đời, mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, được nhiều quốc gia thừa nhận, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Ở Việt Nam, hoạt động hoà giải có lịch sử tồn tại cùng với lịch sử dựng nước và giữ nước, góp phần giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, công tác hoà giải không ngừng được phát huy và ngày càng trở thành phương thức giải quyết tranh chấp chiếm ưu thế trong hệ thống các phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội. Hòa giải cơ sở đã giải quyết triệt để mâu thuẫn, xung đột nảy sinh tại cơ sở, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, từ đó hạn chế đơn thư, khiếu kiện, tiết kiệm thời gian và tiền bạc của cơ quan Nhà nước và nhân dân; phát huy tinh thần đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

Cuộc thi “Hòa giải viên giỏi” TP Hà Nội – sáng kiến nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của Nhân dân. Ảnh: Thái San 

Hoạt động hòa giải ở cơ sở là hoạt động mang tính xã hội tự quản, vì lợi ích cộng đồng, không hướng tới mục tiêu lợi nhuận. Sau khi hòa giải thành, mỗi bên đều được phổ biến kiến thức pháp luật liên quan nội dung tranh chấp, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó tự giác thực hiện nội dung thỏa thuận hòa giải thành. Như vậy, công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần phát huy quyền làm chủ, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến ngày 31/12/2019, cả nước có 96.605 tổ hòa giải với 600.462 hòa giải viên. Từ ngày 01/01/2014 đến 30/9/2019, các tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải 875.573 vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, trong đó hòa giải thành 707.945 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,6%.

Thực hiện chủ trương đổi mới công tác dân vận, tăng cường hiệu quả hoà giải, đối thoại và thực hiện kết luận của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt tỷ lệ 78,08%. Trên cơ sở tổng kết kết quả thí điểm, Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thiện, trình Quốc hội hồ sơ Dự án Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Ngày 16/6/2020, Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Để đạt được kết quả hòa giải các vụ việc nói trên, có nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến sự nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác dân vận trong việc hòa giải để từ đó vận động nhân dân, sử dụng trước tiên biện pháp hòa giải ở cơ sở khi có tranh chấp, mâu thuẫn bởi đây là một phương thức giải quyết tranh chấp rất nhân văn, ít tốn kém, hiệu quả bền vững lại hướng tới thực hiện mục tiêu xây dựng khu dân cư văn hóa, sống hòa thuận, hạnh phúc, yên vui, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở cũng đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận. Trong quá trình hòa giải, các hòa giải viên ở cơ sở đã trực tiếp phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến các bên tranh chấp và những người có liên quan, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân, hình thành ý thức chấp hành pháp luật, từ đó đạt mục tiêu của công tác dân vận là vận động tất cả các tầng lớp nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; đồng sức, đồng lòng thực hiện thành công các định hướng phát triển đất nước mà Đảng chỉ ra; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Tuy nhiên, thực trạng hoạt động hòa giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng còn đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt dưới tác động của nền kinh tế thị trường, sự hội nhập quốc tế, các mâu thuẫn, tranh chấp đang gia tăng, cả về số lượng và tính chất phức tạp của vụ việc. Nhà nước không thể và cũng không cần phải tham gia vào quá trình giải quyết mọi tranh chấp, mâu thuẫn giữa các thành viên trong xã hội, nhất là mâu thuẫn,tranh chấp trong quan hệ dân sự, khi mà người dân có thể tự dàn xếp, thỏa thuận với nhau hoặc thỏa thuận giải quyết thông qua hòa giải với nguyên tắc “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Xu hướng giải quyết tranh chấp bằng phương thức hòa giải trong xã hội tiếp tục dự báo sẽ có chiều hướng tăng lên, đặt ra yêu cầu đối với công tác hòa giải là cần phải được tiếp tục khẳng định, đổi mới và phát huy hiệu quả hơn nữa, gắn với việc việc xác định dân vận là nội dung quan trọng trong công tác hòa giải.

Để nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế của công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở và hòa giải đối thoại tại Tòa án; nhận diện bối cảnh mới với những yêu cầu và thách thức mới đặt ra từ đó đề xuất định hướng, giải pháp hữu hiệu, thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, hòa giải, đối thoại tại tòa án trong thời gian tới gắn với vai trò của công tác dân vận; ngày 27/12/2019, Ban Dân vận Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 2944-KH/BDVTW về tổ chức Hội nghị công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở”.

Hội nghị được tổ chức ngày 13/7/2020 dưới hình thức trực tuyến tại điểm cầu Trung tâm và 63 điểm cầu địa phương do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng Bộ Tư pháp tổ chức.