Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng - Trưởng Đoàn kiểm tra và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến chủ trì cuộc kiểm tra.
Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn.
Góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao
Báo cáo tại cuộc kiểm tra, Trưởng ban Dân vận Thành uỷ Đỗ Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua, Chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Thành uỷ và lực lượng vũ trang Thủ đô đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Thành uỷ Hà Nội. Với những kết quả đạt được, Chương trình phối hợp đã góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn TP.
Công tác phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các ban, ngành, đoàn thể trong vận động quần chúng tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào “Dân vận khéo”, phong trào thi đua “Vì an ninh tổ quốc”, “Đơn vị dân vận tốt” đã được khẳng định. Nhiều mô hình, chuyên đề, phong trào đã phát huy tốt hiệu quả trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội được các địa phương nhân rộng và đổi mới phù hợp với tình hình thực tiễn.
Nhận thức, trách nhiệm và hiệu quả thực hiện công tác dân vận của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị và cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang có chuyển biến rõ nét.
Xây dựng đơn vị, địa phương vững mạnh toàn diện, qua đó góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân - dân, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là quần chúng Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh tổ quốc ở cơ sở được phát huy tối đa. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân được tăng cường, góp phần hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị được giao.
Nổi bật, phối hợp theo dõi, tham mưu giúp Thành ủy chỉ đạo giải quyết 150 vụ việc phức tạp kéo dài. Đến nay, đã giải quyết 103/150 vụ việc; còn 47 vụ việc đang tiếp tục được theo dõi, chỉ đạo giải quyết.
Trong năm qua, quần chúng Nhân dân đã cung cấp cho lực lượng Công an nhiều tin liên quan đến an ninh trật tự giúp lực lượng Công an điều tra khám phá hàng ngàn vụ án. Từ năm 2021 đến nay, Cơ quan điều tra Công an TP đã thụ lý 101 vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ với 190 bị can. Lực lượng Công an các cấp đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, các tổ dân phố, khu dân cư tham mưu với cấp ủy, chính quyền giải quyết có hiệu quả hàng nghìn vụ mâu thuẫn, khiếu kiện trong nội bộ Nhân dân.
Đối với việc phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, Công an TP tích hợp, cung cấp 11 dịch vụ công thiết yếu và 121 dịch vụ công phục vụ người dân trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thực hiện 3 giảm “Giảm hồ sơ giấy tờ, giảm số lần đi lại, giảm thời gian giải quyết”. Nhờ đó, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đã đạt tỷ lệ 93,6%; chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) của Công an TP đạt 96%.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Năm 2021, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tổ chức tiếp hơn 2.100 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 166 lượt đơn thư bảo đảm đúng quy trình, quy định…
Nâng cao nhận thức về công tác dân vận
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, thực hiện Chương trình công tác phối hợp, từ đầu nhiệm kỳ, TP đã ký kết chương trình phối hợp giữa Ban Dân vận với Đảng ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô, Ban Dân vận và Công an TP. Trên cơ sở đó, đã thống nhất ban hành Nghị quyết về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với quan điểm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa và luôn kiên trì, tiếp tục thực hiện quan điểm này.
Việc phối hợp giữa Dân vận và Lực lượng vũ trang cũng là một trong những nhiệm vụ này để dự đoán trước, chủ động xử lý những tình huống có thể xảy ra trong thực tiễn.
Cũng xuất phát từ quan điểm từ sớm, từ xa trong bảo vệ nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân, TP đã chọn ngày 19/8 là Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đây là năm đầu tiên thực hiện nhưng đã tạo ra hiệu ứng rất tốt. Tương tự, ngày 22/12, được chọn là ngày Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. TP đã có những chương trình phù hợp với định hướng lớn, được cụ thể hóa cả ở cấp Trung ương và địa phương.
Trong những năm qua, Thành ủy Hà Nội rất quan tâm nội dung phối hợp này và đã giao Ban Dân vận tham mưu, phối hợp với Bộ Tư lệnh, Công an TP để triển khai thực hiện. Ban Thường vụ Thành ủy cũng có chương trình phối hợp với Quân ủy Trung ương và Công an toàn diện trên các lĩnh vực, trong đó, có lĩnh vực dân vận lực lượng vũ trang. Ngoài ra, Đảng ủy Bộ Công an cũng có cơ chế phối hợp với Hà Nội trong công tác đầu tư trụ sở, đầu tư trang thiết bị và phối hợp thực hiện tốt.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cũng trao đổi, làm rõ thêm với Đoàn kiểm tra liên ngành về các phong trào dân vận khéo, dân vận trong lực lượng vũ trang và nhấn mạnh sẽ tiếp thu các ý kiến của đoàn để làm tốt hơn nữa công tác phối hợp trong thời gian tới. Bởi làm tốt công tác phối hợp dân vận lực lượng vũ trang chính là tăng cường xây dựng Đảng bộ TP ngày càng vững mạnh.
Phát biểu kết luận cuộc kiểm tra, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đánh giá, gần 2 năm qua, công tác dân vận của TP Hà Nội nói chung và lực lượng vũ trang nói riêng đã được triển khai toàn diện, cụ thể, sát thực tiễn địa phương, đơn vị. Hàng năm, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an Thành phố phối hợp với Ban Dân vận Thành ủy xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đơn vị và địa phương.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả Chương trình phối hợp công tác dân vận của lực lượng vũ trang, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Phạm Tất Thắng đề nghị, tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, khuyết điểm TP đã tự đánh giá và Đoàn kiểm tra đã chỉ ra.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác giáo dục, quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và Nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác dân vận.
Tích cực, chủ động nghiên cứu, đổi mới nội dung, phương pháp tiến hành công tác dân vận phù hợp với đặc điểm của từng địa phương và yêu cầu, nhiệm vụ của các lực lượng trong tình hình mới.
Làm tốt công tác phối hợp trong nắm tình hình địa bàn, tình hình Nhân dân, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo. Đối với các đơn vị lực lượng vũ trang, cần chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, thực hiện tốt đạo đức công vụ và trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, thực sự là tấm gương để cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân noi theo.