Diễn đàn Bất động sản mùa Xuân là sự kiện thương niên lần thứ 5 do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes) và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VIRES) tổ chức.
Tăng trưởng tín dụng bất động sản 8-10% vẫn thấp?
Theo TS Cấn Văn Lực, nghĩa vụ tài chính với bất động sản đã qua giai đoạn khó khăn nhất; tiếp cận vốn được duy trì. Đặc biệt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong đó có trái phiếu bất động sản cũng đang ấm lên, niềm tin thị trường phục hồi theo hướng tích cực. “Theo thông tin tôi nắm được, hiện, Hiện Cục Thi hành án dân sự (THADS) TP Hồ Chí Minh đang tổ chức thi hành đại án Trương Mỹ Lan - Vạn Thịnh Phát. Cơ quan này đang khởi động kế hoạch trả tiền cho nhà đầu tư trái phiếu vụ Vạn Thịnh Phát”- ông Lực cho biết.

Nói về vấn đề sống còn của thị trường bất động sản là vốn, TS Lê Xuân Nghĩa đưa con số, tăng trưởng tín dụng bất động sản năm 2024 ở mức 8-10%. Các kênh huy động vốn khác như thị trường TPDN 2024 và những tháng đầu năm 2024 đã ấm lên.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cho rằng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng như trên vẫn chưa đáp ứng hết các nhu cầu vốn của thị trường bất động sản. Trong khi giá bất động sản năm 2024 tăng đến 40% thì tín dụng vẫn chỉ dừng ở mức 8-10%. Điều này có thấy, nhu cầu vốn vẫn là nhu cầu cấp thiết. “Vì vậy, TPDN tới đây chắc chắn sẽ ấm lên, DN phát hành nhiều hơn và lãi suất cũng sẽ cao hơn”- ông Nghĩa nói.

Tại Diễn đàn Bất động sản mùa Xuân, các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, nhiều trợ lực chính giúp cho thị trường bất động sản phục hồi. Tăng trưởng kinh tế thế giới 2024 - 2026 cơ bản đi ngang còn kinh tế Việt Nam năm 2024 - 2025 tăng trưởng khá cao, làm tiền đề bước vào “kỷ nguyên mới”, dù còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát tăng trong tầm kiểm soát; lãi suất tại Việt Nam duy trì ở mức thấp; tỷ giá, nợ xấu tăng trong tầm kiểm soát; thâm hụt ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ… trong ngưỡng Quốc hội cho phép. Đột phá về thế chế, cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy làm cơ sở và động lực quan trọng bước vào kỷ nguyên mới. Cụ thể chưa bao giờ các bộ luật mới được sửa đổi và ban hành chính thức nhanh chóng như thời gian vừa qua.
Ngoài ra, quy hoạch các cấp được ban hành; đầu tư công, chính sách hạ tầng được đẩy mạnh. So với các nước trong khu vực, đầu tư công tại Việt Nam tương đương 7 - 8% GDP, gần như cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
Nhiều gói vay ưu đãi cho nhà ở xã hội và người trẻ
Về tín dụng, thời gian qua, nhiều chính sách đưa vốn vào thị trường đã được các cơ quan chức năng và các ngân hàng, tổ chức tín dụng đề xuất, triển khai.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Lễ Vinh danh tôn vinh Top 10 thương hiệu, sản phẩm dẫn đầu thị trường bất động sản năm 2024 - 2025 đã diễn ra. Các hạng mục gồm: Nhà phát triển bất động sản hàng đầu Việt Nam năm 2024; Doanh nghiệp bất động sản triển vọng nhất năm 2025; Ngân hàng cho vay bất động sản minh bạch và bền vững nhất năm 2024; Dự án bất động sản nhà ở thương mại chất lượng nhất năm 2024; Dự án bất động sản nhà ở thương mại tiềm năng nhất năm 2025; Khu nghỉ dưỡng tốt nhất năm 2024; Dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tiềm năng nhất năm 2025; Nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp tốt nhất năm 2024; Nhà phát triển nhà ở xã hội hàng đầu Việt Nam…"
Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh và ban hành các thông tư nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và hỗ trợ người dân mua nhà ở. Cụ thể như: Thông tư 08/2020/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 22 (2019) cho phép các tổ chức tín dụng sử dụng 34% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn được điều chỉnh giảm xuống 30% từ 1/10/2023 và hiện đang ở mức 28,3%, tạo thêm nguồn vốn cho thị trường. Gói tín dụng ưu đãi 145.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội tiếp tục được triển khai với lãi suất thấp hơn 1,5-2%/năm so với thị trường.
Thông tư 06/2024/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ đến hết năm 2024, giúp doanh nghiệp và người dân giảm bớt áp lực trả nợ. Thông tư 53/2024/TT-NHNN chỉ cho phép cơ cấu lại nợ đến hết năm 2025 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Một số tổ chức tín dụng cũng triển khai cho vay nhà ở đối với người trẻ. Thông tư 22/2023/TT-NHNN giảm trọng số rủi ro đối với cho vay khu công nghiệp và nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng cũng đề xuất gói ưu đãi 100.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội từ nguồn vốn trái phiếu, áp dụng trong 5 năm.
Bên cạnh đó, nguồn vốn cho thị trường bất động sản trong năm 2024 đến từ nhiều kênh khác nhau: Vốn tín dụng, vốn tư nhân, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trên thị trường trái phiếu, tổng lượng phát hành đạt 442 nghìn tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp bất động sản phát hành khoảng 90 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20,4% tổng lượng phát hành (theo HNX). Điểm rơi của đáo hạn trái phiếu vào tháng 8 và tháng 12/2023 sau khi được giãn hoãn trả nợ, do đó tháng 8 và 12/2025 sẽ là thách thức cho doanh nghiệp.