[Đăng kiểm xe cơ giới] Chuyện “biết rồi, nói mãi, khổ lắm"

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không để ô tô xếp hàng cả đêm chờ đăng kiểm. Cùng với đó, cần kiểm điểm sâu sắc, xử lý nghiêm sai phạm, đồng thời phải có tư duy, cách làm mới, không để xảy ra việc tương tự - Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chỉ đạo Bộ GTVT tại hội nghị tổng kết ngành 2022.

Hiện nay, cả nước có 280 đơn vị đăng kiểm xe cơ giới; trong đó có 196 đơn vị trực thuộc các doanh nghiệp (ký hiệu D); 64 đơn vị thuộc các Sở Giao thông Vận tải (ký hiệu S); và 20 đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam (ký hiệu V).

Sai phạm có "tổ chức, quy mô lớn"

Theo thông báo từ Bộ Công An, hiện nay có 33 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động trên cả nước, có 30 trung tâm đang bị điều tra về các hành vi tiêu cực. 33 trung tâm đăng kiểm đang tạm dừng hoạt động tại 13 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Hoà Bình, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Đồng Tháp, Bến Tre, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh.

Nhiều nhất trong danh sách này là TP Hà Nội với 11 trung tâm tạm dừng hoạt động, gồm 10 trung tâm phải tạm dừng để phục vụ công tác điều tra của cơ quan công an và 1 trung tâm bị tạm dừng hoạt động do chưa đáp ứng quy định PCCC. Công an TP Hồ Chí Minh vừa ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam (thuộc Bộ GTVT), để làm rõ tội “nhận hối lộ”.

Ngoài ra, 3 cán bộ Cục Đăng kiểm là Trần Anh Quân - quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới; Đặng Trần Khanh - Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới và Phạm Đức Ngọc - chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới cùng hàng chục giám đốc các trung tâm đăng kiểm đã bị bắt.

33 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động trên cả nước. Ảnh TTXVN
33 trung tâm đăng kiểm tạm dừng hoạt động trên cả nước. Ảnh TTXVN

Với tính chất nghiêm trọng của vấn đề là có tổ chức, phân công, phối hợp chặt chẽ, tại phiên họp thứ 23, Ban Chỉ đạo T.Ư phòng, chống tham nhũng, tiêu cực quyết định đưa vụ án ''Đưa hối lộ'', ''Nhận hối lộ'', ''Môi giới hối lộ''; ''Giả mạo trong công tác'' xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Thủ đoạn mà các trung tâm đang áp dụng là bỏ qua lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, hoặc cho thuê phụ tùng không đảm bảo kỹ thuật để “hợp lý hóa sai phạm”. Đơn cử xe mòn lốp thì nộp tiền thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận để đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...

Với những phương tiện không đủ điều kiện đăng kiểm về độ khói, khí thải, các đối tượng đã sử dụng giấy trắng để che một mắt thiết bị nhằm giúp xe đó đạt tiêu chuẩn. Đối với những xe không đạt tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật phanh, đăng kiểm viên đã đạp phanh nhiều lần để hợp thức hóa, in ra giấy kiểm định. Riêng những xe đã cơi nới thành xe, thùng xe, các trung tâm đăng kiểm này đã lập giấy, hồ sơ bằng với kích thước cơi nới, rất tinh vi để đối phó với quy định.

Theo Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn của Bộ Công an: “Sơ bộ có hơn 70.000 phương tiện cơ giới được kiểm định theo dạng làm luật. Các trung tâm đăng kiểm đã cấp 52.300 giấy kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Số tiền các đối tượng thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng”.

Thiếu tá Nguyễn Thành Hưng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) Công an TP Hồ Chí Minh, cho hay quá trình phạm tội của các bị can diễn ra trong thời gian dài, được chỉ đạo từ trên xuống dưới, có hệ thống, đặc biệt là vai trò của ông Đặng Việt Hà - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Theo một giám đốc trung tâm đăng kiểm (đề nghị được giấu tên) cho biết để thành lập trung tâm đăng kiểm, các đơn vị đã phải chung chi cho lãnh đạo các phòng ban cũng như Cục trưởng Cục Đăng kiểm hàng trăm triệu đồng/tháng để được cấp giấy phép, tạo điều kiện hoạt động. Ngoài ra hàng tháng còn phải nộp “thuế khoán” để ''yên bề làm ăn''.

 

Nhân lực chuyền đăng kiểm

Nhân lực trong đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo các điều kiện sau: Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 3 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao. Có phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa 2 dây chuyền kiểm định.

Đi tìm nguyên nhân

Mặc dù, việc thành lập trung tâm đăng kiểm xe cơ giới theo nghị định 139/2018 NĐ-CP rất chặt chẽ từ nhân sự đến việc xây dựng, lắp đặt cơ sở vật chất kỹ thuật. Theo đó, đối với đơn vị đăng kiểm có 1 dây chuyền kiểm định loại I, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.250 m2; Đối với đơn vị đăng kiểm có 1 dây chuyền kiểm định loại II, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.500 m2.

Các đăng kiểm viên phải có bằng kỹ sư chuyên ngành và có thời gian thực tập 12 tháng trước khi sát hạch, nên trong năm 2022 cả nước chỉ có khoảng 70 đăng kiểm viên (trong đó Hà Nội 30 người). Nhưng thực tế trong 4 năm qua, số lượng các trung tâm đăng kiểm cơ giới đường bộ mới xuất hiện tăng đến chóng mặt.

Tất nhiên vì thế một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được thành lập, lập danh sách kiểm định viên giả để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ kiểm định xe cơ giới…

Theo quy định, mỗi dây chuyền đăng kiểm xe cơ giới bắt buộc phải có 3 đăng kiểm viên, trong đó có 1 đăng kiểm viên bậc cao. Tuy nhiên, các trung tâm đã sử dụng những nhân viên tay ngang mặc trang phục đăng kiểm để thực hiện các bước đăng kiểm xe cơ giới. Các nhân viên mặc trang phục đăng kiểm đi lượn lờ qua các camera do Cục Đăng kiểm giám sát. Vi phạm kiểu này sẽ được cơ quan cảnh sát điều tra trong quá trình đấu tranh với các đối tượng liên quan.

Công an TP Hồ Chí Minh khám xét tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh PL
Công an TP Hồ Chí Minh khám xét tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 50-07V, thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam. Ảnh PL

Với quy định lệ phí theo Thông tư 55/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức lệ phí đăng kiểm xe cơ giới dao động từ 250 - 570 nghìn đồng/xe, mỗi dây chuyền gồm 3 nhân sự trực tiếp cũng chỉ đăng kiểm tối đa khoảng 70 xe/ngày. Với việc phải đầu tư hàng chục tỷ đồng đất đai, nhà xưởng và hàng tháng còn “cõng” hàng loạt chi phí không tên khác, nếu không tính toán, chi phí hợp lý thì các trung tâm đăng kiểm sẽ lỗ nặng. Thậm chí, nhiều trung tâm đăng kiểm, ngay từ đầu với kết cấu thu - chi người ta đã tính đến việc bắt tay với vi phạm mới có thể tồn tại được.

Trong nhiều năm qua, không ít trung tâm đăng kiểm chọn phương án “hợp lý hóa” những lỗi kỹ thuật của các chủ xe để thu hút thêm số lượng xe đến đăng kiểm. Cạnh tranh không lành mạnh được cho là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân” của vụ án lớn mà cơ quan cảnh sát điều tra đang tiến hành. Sai phạm có cả trong các trung tâm đăng kiểm trực thuộc doanh nghiệp; các Sở Giao thông Vận tải và cả những đơn vị thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam trực tiếp quản lý.

Điều đáng nói là những sai phạm này đã kéo dài lại được chính những người trong cuộc, trong đó có lãnh đạo Cục Đăng kiểm che giấu, tiếp tay. Điều này vô hình trung đã khiến cho tình hình tai nạn giao thông vẫn liên tục nóng thời gian qua.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần