Nguyên tắc đăng ký nguyện vọng 1
Lưu ý đến thí sinh trong quá trình đăng ký nguyện vọng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho rằng, thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng nhưng cũng không quá ít. Đặc biệt, đừng bao giờ đặt duy nhất một nguyện vọng xét tuyển bởi như vậy rất rủi ro.
Thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng – là nguyện vọng mà các em đặt lên cao nhất. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1, kể cả không nhập học cũng không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng 2, 3, 4... Đây là quy định nên thí sinh phải suy nghĩ, cân nhắc kỹ trước khi quyết định đăng ký.
Có nhiều phụ huynh cho biết con đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm vào một trường và được tư vấn nên đặt ở nguyện vọng 1. Tuy nhiên, đây không phải nguyện vọng thí sinh và gia đình mong muốn nhất.
“Giả sử trúng tuyển 5 nguyện vọng theo các phương thức xét tuyển sớm của các trường nhưng nếu thí sinh không để nguyện vọng 1 mà để là phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và đỗ cả phương thức này thì hệ thống sẽ xác định thí sinh đỗ nguyện vọng sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Như vậy, hệ thống sẽ xét từ trên xuống theo thứ tự ưu tiên. Nếu đỗ ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp” – Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy phân tích và khẳng định “thí sinh không bắt buộc phải đặt ưu tiên nguyện vọng 1 với nguyện vọng xét tuyển sớm. Sắp xếp nguyện vọng như thế nào là tùy theo lựa chọn và mức độ ưu tiên của chính các em”.
Năm nay, thí sinh sẽ đăng ký nguyện vọng lên hệ thống trước khi Bộ GD&ĐT công bố kết quả thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, các em có thoải mái thời gian để đăng ký và điều chỉnh vì thực tế, ngay khi thi xong, hầu hết các em đã dự báo được số điểm của mình căn cứ vào mức độ làm bài thi.
Tránh tình trạng đạt điểm cao vẫn trượt
Trước băn khoăn của thí sinh về việc chọn trường hay ngành học, TS Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) khuyên các em nên chọn ngành trước, sau đó mới chọn trường. Để chọn ngành, thí sinh cần xem năng lực, sở trường của bản thân phù hợp với ngành nào. Theo đó, thí sinh có thể sử dụng các phần mềm test thử, sau đó trả lời câu hỏi để kiểm tra xem mình phù hợp với những ngành học nào.
Ngoài ra, các em có thể nhìn nhận lại xem mình có xu hướng yêu thích và học tốt môn nào, từ đó cân nhắc những ngành đào tạo phù hợp với môn học đó. Thí sinh cũng có thể hỏi kinh nghiệm, xin ý kiến tư vấn của bố mẹ, người thân hoặc chuyên gia trong các lĩnh vực mình dự định đăng ký xét tuyển.
Nhắc lại quy định tất cả các khâu trong quá trình tuyển sinh sẽ được thực hiện trực tuyến, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) nhấn mạnh, điều quan trọng là thí sinh phải đọc kỹ quy chế tuyển sinh cũng như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, của các trường và thực hiện đúng, đủ quy trình.
Khi sắp xếp thứ tự ưu tiên các nguyện vọng xét tuyển, thí sinh cần sắp xếp những nguyện vọng phù hợp nhất lên cao. Dù các em có nhiều lựa chọn, không giới hạn nguyện vọng nhưng chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất nên cần cân nhắc từng nguyện vọng và tính toán thứ tự đúng, trúng, phù hợp. Ngoài ra, việc lựa chọn, sắp xếp thứ tự nguyện vọng cũng cần căn cứ vào mức điểm
"Thí sinh có 21 ngày để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Khoảng thời gian này đủ để các em suy nghĩ lựa chọn nguyện vọng. Khi đăng ký lên hệ thống, thí sinh cần kiểm tra lại thật kỹ việc các nguyện vọng và thứ tự các nguyện vọng. Việc này, sẽ giúp hạn chế tối đa những rủi ro” - PGS.TS Nguyễn Phú Khánh khuyến nghị.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, để tránh tình trạng đạt điểm cao vẫn trượt tất cả các nguyện vọng, thí sinh nên khai thác tối đa quyền được đăng ký số nguyện vọng của mình.
Theo đó, thí sinh nên đăng ký cả những nguyện vọng vào ngành hot, có điểm trúng tuyển cao và những ngành có điểm trúng tuyển ở mức độ vừa phải. Bên cạnh đó, thí sinh cần nghiên cứu và tìm hiểu về chỉ tiêu dành cho các phương thức tuyển sinh của những ngành mà mình quan tâm. Từ đó có thể tránh được việc chỉ đăng ký vào những ngành không còn nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng theo ngành
Từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.
Năm nay, thí sinh sẽ không phải chọn phương thức xét tuyển khi đăng ký nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Điều chỉnh về mặt kỹ thuật này tránh cho thí sinh bị nhầm lẫn khi phải đăng ký nguyện vọng vào nhiều tổ hợp, phương thức xét tuyển khác nhau.
Thí sinh chỉ cần nhập lên hệ thống các minh chứng cần thiết (ngoài dữ liệu điểm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT được Bộ GD&ĐT cập nhật sẵn). Phần mềm sẽ xử lý để xác nhận thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất khi đủ điều kiện đỗ.
Theo kế hoạch, 8 giờ ngày 18/7, Bộ GD&ĐT sẽ công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.