Đăng ký nhãn hiệu tập thể cho làng trầu "độc nhất vô nhị" ở miền Tây Nam bộ

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND tỉnh Hậu Giang vừa thống nhất chủ trương cho Hợp tác xã Trầu Vàng sử dụng địa danh “Vị Thủy” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Làng trầu Vị Thủy” (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang).

Trước đó, ngày 21/5, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Hậu Giang có công văn về việc xin phép sử dụng địa danh “Vị Thủy” và xác nhận bản đồ khu vực sản xuất/kinh doanh sản phẩm “Làng trầu Vị Thủy”.
Tên gọi Làng trầu Vị Thủy có từ hơn nửa thế kỷ nay, thậm chí có gia đình trồng trầu từ thời phong kiến và duy trì đến bây giờ. Nghề trồng trầu ở đây cũng đã được công nhận là nghề truyền thống. Ảnh: Giang Lam
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương cho Hợp tác xã Trầu Vàng (ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy) sử dụng địa danh “Vị Thủy” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Làng trầu Vị Thủy” theo đề nghị của Sở KH&CN. Giao Giám đốc Sở KH&CN chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan hướng dẫn Hợp tác xã Trầu Vàng thực hiện đăng ký nhãn hiệu tập thể “Làng trầu Vị Thủy” theo đúng quy định.
Toàn xã Vị Thủy có hàng trăm hộ dân trồng trầu với diện tích 37ha, tập trung ở ấp 5, ấp 6, ấp 7, ấp 8… Riêng ở ấp 5 có số lượng đông nhất với 154 hộ, Hợp tác xã Trầu Vàng cũng được thành lập ở đây. Ảnh: Giang Lam
Lá trầu sau khi hái được phân loại theo trầu xanh và trầu vàng, xếp thành từng ốp, mỗi ốp 40 lá.Ảnh: Giang Lam
Ảnh: Giang Lam
Cây trầu cho thu hoạch lá quanh năm, nhưng thời điểm cận Tết Nguyên đán là lúc trầu bán được giá nhất. Mặc dù được xem là nghề phụ (bên cạnh trồng lúa, làm vườn) nhưng trồng trầu đem lại thu nhập đáng kể cho bà con, công việc lại không vất vả nhiều như trồng lúa.
Vườn trầu của Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng - Ảnh: Giang Lam 
Ông Nguyễn Văn Đời – Giám đốc Hợp tác xã Trầu Vàng cho biết, với khoảng 2 công đất (1.000m2/công) trồng trầu, bình quân mỗi tháng cho thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt 2.000 ốp, với giá 2.500 đồng/ốp, bà con thu về 15 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 12 triệu đồng.