Chủ quan với phương thức xét tuyển sớm
Vài ngày trước, dư luận quan tâm đến câu chuyện trượt Trường ĐH Kinh tế quốc dân của nam sinh tên T.K. chỉ vì lí do “quên đọc email”. Theo đó, khi Trường ĐH Kinh tế quốc dân công bố danh sách trúng tuyển ở phương thức xét tuyển kết hợp (giữa chứng chỉ tiếng Anh quốc tế và điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024), T.K. ngã ngửa vì không thấy tên mình dù đủ điều kiện; hỏi ra mới biết mình đã mắc một sai lầm đáng tiếc.
Cụ thể, khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã gửi email nhắc thí sinh nhập lại số báo danh và nhập điểm thi THPT 2024. Phía nhà trường đã hướng dẫn rất chi tiết các bước thực hiện nhưng do không xem email nên T.K. đã bị lỡ thời gian nhập thông tin và kết quả là em không được xét tuyển.
Đại diện bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay: Trong Đề án và thông báo tuyển sinh xét tuyển kết hợp nhóm 3 (kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024) đều nói rõ thí sinh phải nhập điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 để làm căn cứ xét tuyển. Nhà trường có thông báo cho thí sinh (lần 1) và hướng dẫn nhập điểm thi tốt nghiệp THPT đối với thí sinh xét tuyển kết hợp - nhóm 3 để làm căn cứ; trong đó nói rõ nếu không nhập điểm sẽ không được xét tuyển. Trước 1 ngày, trường lại nhắc nhở thí sinh lần 2 về việc này.
Nhà trường cũng công khai nguyên tắc này trên các fanpage, website để tất cả thí sinh nắm rõ. Ngày cuối cùng, trường tiếp tục gửi email nhắc nhở tới từng thí sinh nhưng thêm một lần nữa, thí sinh T.K. đã quên trách nhiệm của mình, từ đó bỏ lỡ cơ hội trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm. Rất may, hiện Bộ GD&ĐT có đa dạng phương thức tuyển sinh nên thí sinh vẫn còn nhiều cơ hội xét tuyển bằng các phương thức khác.
Nhầm lẫn trong sắp xếp thứ tự nguyện vọng hoặc không đăng ký nguyện vọng xét tuyển sớm lên hệ thống cũng là lỗi không ít thí sinh mắc phải. Theo PGS.TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh, nếu yêu thích và xác định sẽ học ngành đã trúng tuyển sớm, các em chỉ cần đặt ngành đó là nguyện vọng 1; nếu không, thí sinh nên đặt những nguyện vọng khác mà mình kỳ vọng lên trên, cuối cùng là các ngành đã trúng tuyển sớm. Như vậy, dù có thể không trúng tuyển ngành mong muốn thì các em vẫn an toàn, chắc suất vào đại học.
PGS.TS Bùi Hoài Thắng cho hay, vẫn xảy ra trường hợp thí sinh hiểu nhầm có thể đồng thời đỗ nhiều nguyện vọng ở các phương thức khác nhau. Có em xác định theo ngành A và đã trúng tuyển sớm nhưng vẫn thử đặt một ngành khác lên nguyện vọng 1, đến khi đỗ lại gọi điện về trường xin đổi ngành học. Việc xin đổi lúc này không ai có thể giải quyết được vì mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất.
Lưu ý đối với các thí sinh đã trúng tuyển xét phương thức xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: “Khi xét tuyển sớm, thí sinh chỉ đăng ký vào hệ thống riêng của từng trường, chứ chưa được ghi nhận trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Các em có thể đủ điều kiện trúng tuyển rất nhiều nguyện vọng xét tuyển sớm, nhưng sẽ chỉ nhập học vào một ngành của một trường duy nhất. Những nguyện vọng còn lại phải dành cho những thí sinh khác, vì vậy bắt buộc phải đăng ký trên hệ thống chung của Bộ”.
Chia sẻ kinh nghiệm tuyển sinh những năm trước, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thuỷ cho hay, đã có những trường hợp thí sinh không đăng ký một nguyện vọng trúng tuyển sớm nào trên hệ thống và đến khi hết thời hạn Bộ GD&ĐT quy định mới quay lại đăng ký thì hệ thống đã đóng mất, còn thí sinh ôm sự tiếc nuối.
Tìm hiểu mức học phí phù hợp
Thí sinh đang đăng ký dở dang trên hệ thống rồi dừng lại, sau đó tưởng mình đã đăng ký thành công cũng là lỗi tai hại có thí sinh từng mắc phải. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy, khi đã đăng ký xét tuyển, thí sinh cần nhớ phải thực hiện đúng, đủ cho đến khi kết thúc quy trình. “Chỉ khi các em nhấn vào nút kết thúc quy trình, hệ thống mới ghi nhận các nguyện vọng của các em”, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nói.
Bên cạnh đó, cũng có thí sinh ban đầu chỉ quan tâm đến ngành, trường mình yêu thích mà không dành thời gian tìm hiểu học phí của trường. Vậy nên xảy ra chuyện, sau khi đã trúng tuyển, các em lại băn khoăn, suy nghĩ hoặc không nhập học vì gia đình không lo đủ chi phí cho 4 – 5 năm theo học.
“Học phí dự kiến và lộ trình học phí đều được các trường công khai. Cùng việc tìm hiểu ngành, trường, phương thức xét tuyển, thí sinh cần có trách nhiệm nghiên cứu, đọc kỹ đề án tuyển sinh, trong đó có mức học phí của các nhà trường trước khi quyết định sắp xếp nguyện vọng”, các chuyên gia tuyển sinh đưa ra lời khuyên.
Sau khi hết hạn đăng ký xét tuyển, từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh bước vào giai đoạn nộp lệ phí trực tuyến. Nếu không nộp hoặc nộp không đủ, hệ thống sẽ không chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng của thí sinh. Những năm trước đã có trường hợp quên thực hiện bước này; do đó các em tuyệt đối không chủ quan.
Tại thông báo về việc khuyến nghị và lưu ý đối với thí sinh khi thực hiện nộp lệ phí đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng theo hình thức trực tuyến, Bộ GD&ĐT nêu rõ: hệ thống đăng ký xét tuyển cho phép thí sinh được lựa chọn 1 trong 17 kênh thanh toán khác nhau (cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia) để thực hiện đóng lệ phí xét tuyển, gồm: các kênh ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán, các ví điện tử và kênh thanh toán di động.
Tất cả thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống đều cần phải thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí xét tuyển. Bộ GD&ĐT có tài liệu hướng dẫn thao tác (có các video clip minh họa tại địa chỉ https://bit.ly/hdttnv2024) đối với từng kênh thanh toán; đề nghị thí sinh đọc kỹ đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện liên quan trước khi thực hiện.