70 năm giải phóng Thủ đô

Đăng ký xét tuyển đại học: Ngành kinh tế hút thí sinh

Thủy Trúc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngành nghề khi ra trường dễ có việc làm được thí sinh ưu tiên lựa chọn. Năm nay, thí sinh không bị khống chế số nguyện vọng (NV) và dẫn đầu vẫn là khối kinh tế, tài chính, ngân hàng...

Học sinh chọn ngành dễ có “đầu ra”
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, từ đầu tháng 4 đến 20/4 là thời điểm học sinh lớp 12 nộp Phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ), trung cấp (TC). Qua theo dõi học sinh của nhiều trường trên địa bàn TP Hà Nội, thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh cho biết, xu hướng đăng ký xét tuyển ĐH tập trung chủ yếu vào các ngành khi ra trường dễ tìm việc làm. Dẫn đầu là khối kinh tế, tài chính, ngân hàng và quản trị; tiếp theo là các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin…
  Học sinh lớp 12 được các trường đại học tư vấn chọn ngành. Ảnh: Thủy Trúc
Việc đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ về cơ bản giống các năm trước, học sinh được thay đổi NV xét tuyển đến ngày 20/4 và sau khi có kết quả thi THPT quốc gia 2019 nên lần đăng ký này không quá căng thẳng. Tại thời điểm này, khi thời hạn đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh ĐH, CĐ gần hết nhưng nhiều thí sinh vẫn đang cân nhắc, suy nghĩ chọn ngành.
Cô Nguyễn Phương Anh – Phó Hiệu trưởng trường THPT Đoàn Thị Điểm cho biết: "Học sinh rất quan tâm đến những ngành học có đầu ra tốt. Bên cạnh đó, các em cũng rất thích những ngành hoạt động xã hội (công đoàn, phụ nữ, thanh niên) bởi các năm trước có điểm đầu vào vừa phải và được tăng cường các kỹ năng nhưng lại e ngại vì khó khăn tìm việc".
Tại trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông, học sinh lớp 12 cũng đang nghiên cứu kỹ việc chọn ngành nghề. Để hỗ trợ học sinh, nhà trường sẽ tổ chức giải đáp thắc mắc, tư vấn tuyển sinh cho đến ngày 20/4. Dù vậy, học sinh phải nghiên cứu, cập nhật thông tin trên hệ thống website tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và các trường ĐH, CĐ để đưa ra lựa chọn ngành học sẽ đăng ký.
Chỉ nên đăng ký dưới 10 nguyện vọng
Trước băn khoăn của học sinh nên đăng ký mấy NV là vừa, thầy Trần Mạnh Tùng đưa ra lời khuyên: Thí sinh cần cân nhắc kỹ để chọn NV hợp lý, tránh tình trạng loạn NV. Thí sinh đăng ký nhiều NV quá gây mất phương hướng, khó xác định được mục tiêu phấn đấu.
“Mỗi em chỉ nên đăng ký từ 4 – 10 NV, chia làm 3 tốp về điểm chuẩn: Cao, trung bình, thấp. Như thế, các em có thể ước lượng được mức điểm của từng tốp để có kế hoạch học và ôn thi cụ thể nhằm phấn đấu đạt các mức điểm tương ứng” – thầy Tùng nói.
Tại trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, hiện nay học sinh cơ bản đã khai xong hồ sơ đăng ký dự thi và xét tuyển ĐH. Thông tin ban đầu, trung bình mỗi học sinh đăng ký 8 NV, nhiều nhất 20 NV, ít nhất là 5. Theo quan điểm của Hiệu trưởng Đoàn Minh Châu, học sinh đăng ký 8 NV là vừa. Trong khi đó, ở trường THPT Đoàn Thị Điểm, dù đã được thầy cô tư vấn nhưng có học sinh liều lĩnh chỉ đăng ký 1 trường hoặc có em chọn trường theo bạn bè.
Theo thầy cô ở các trường THPT, thí sinh lựa chọn ngành nghề phải theo 3 yếu tố, đó là sự đam mê, năng lực và nhu cầu xã hội. Tất nhiên, thí sinh cũng phải căn cứ vào kết quả thi thử các bài thi THPT quốc gia vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức để chọn trường. Việc chọn ngành cũng nên theo nguyên tắc: Trường có điểm chuẩn cao hơn số điểm thí sinh ước đạt được, trường có điểm trúng tuyển ngang bằng và trường có điểm đầu vào thấp hơn. Cách chọn lựa này để trong mọi tình huống thí sinh vẫn có cơ hội trúng tuyển vào trường mình thích mà không bị áp lực.

"Trường THPT Đinh Tiên Hoàng đã có chương trình tư vấn cho học sinh đánh giá năng lực theo 2 hệ thống. Thứ nhất, học sinh tự đánh giá mình theo chương trình hướng dẫn của Bộ GD&ĐT gồm 6 thiên hướng. Trong mỗi thiên hướng sẽ có một số ngành nghề. Thứ hai, tư vấn căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh và đánh giá năng lực sở trường. Dựa vào hai hệ thống này, học sinh sẽ chọn ngành, chứ nhà trường không can thiệp quá sâu, không định hướng cụ thể cho học sinh." - TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng Giáo dục, trường THPT Đinh Tiên Hoàng