Đây là đề nghị đầy hấp dẫn từ một tập đoàn công nghệ hàng đầu Nhật Bản với siêu cường số một thế giới, hứa hẹn tạo thêm ít nhất 100.000 việc làm mới cho người Mỹ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và các ngành công nghệ mới nổi khác.
Tạo dựng đế chế từ những quyết định táo bạo
Masayoshi Son, người sáng lập kiêm CEO của SoftBank, nổi tiếng với các quyết định đầu tư táo bạo. Là một nhân vật hàng đầu trong giới kinh doanh Nhật Bản, ông là người đầu tiên đặt niềm tin vào internet khi đã đổ hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon và các DN công nghệ khác.
Khởi nghiệp từ việc bán một máy dịch bỏ túi cho Tập đoàn Sharp với giá 1 triệu USD khi còn là sinh viên Đại học UC Berkeley (Mỹ), ông Son đã xây dựng đế chế SoftBank từ một nhà mạng viễn thông thành tập đoàn đầu tư công nghệ toàn cầu. Những thành công đáng chú ý của ông bao gồm việc mua lại tập đoàn mạng di động Mỹ Sprint Nextel với giá 20 tỷ USD vào năm 2012. Đây từng được xem là thương vụ mua lại một công ty nước ngoài lớn nhất của một DN Nhật Bản.
Ngoài ra, Softbank cũng từng rót khoảng 20 triệu USD vào Alibaba, nay đã trở thành công ty thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc với trị giá hơn 200 tỷ USD.
Tuy nhiên, con đường đầu tư của Masayoshi Son không phải lúc nào cũng suôn sẻ. WeWork, startup không gian làm việc chung từng nhận được 18,5 tỷ USD từ SoftBank, đã phải đệ đơn xin phá sản vào năm 2023. Nhiều khoản đầu tư khác của công ty cũng phải nhận “trái đắng” như Zume - startup sản xuất pizza bằng robot buộc phải ngừng hoạt động sau 7 năm, hay Wirecard - công ty thanh toán của Đức trở thành tâm điểm của một cuộc điều tra gian lận quốc tế trước thời điểm “sập tiệm”.
Dù vậy, danh mục đầu tư đa dạng của SoftBank, gồm nhiều hãng công nghệ hàng đầu như T-Mobile, Microsoft, Nvidia, ByteDance hay Uber… vẫn mang lại cho tập đoàn nguồn lợi nhuận khổng lồ. Hàng trăm công ty khởi nghiệp khác đã và đang được hưởng lợi từ các khoản đầu tư của SoftBank, như dịch vụ giao hàng bằng robot Nuro, ứng dụng dắt chó đi dạo Wag, công ty hậu cần Coupang, dịch vụ vận chuyển Grab hay ứng dụng nhắn tin văn phòng Slack…
Gần đây, SoftBank đang được hưởng lợi từ làn sóng AI và sự phục hồi của thị trường chứng khoán. Không phải ngẫu nhiên mà một số bài thuyết trình của nhà đầu tư từ tập đoàn này có lồng ghép hình ảnh con gà đẻ trứng vàng được gán mác "Cách mạng AI".
Masayoshi Son từng bày tỏ niềm tin rằng trí tuệ nhân tạo sẽ vượt qua trí thông minh của con người trong vòng 1 thập kỷ tới và định hình lại mọi ngành nghề, từ vận tải, dược phẩm đến tài chính, sản xuất, hậu cần… Ông cũng nhận định các công ty và cá nhân sớm thích ứng với AI sẽ là những nhân tố đi đầu xu thế trong 10 - 20 năm tới.
Hiểu rõ điều đó, SoftBank đang tích cực đầu tư mạnh vào các DN có thế mạnh về phát triển và ứng dụng AI. Theo tạp chí Forbes, tập đoàn hiện nắm giữ khoảng 90% cổ phần của Arm - nhà thiết kế chip máy tính có vai trò quan trọng đối với các ứng dụng AI trên thiết bị di động, và được cho là đã đầu tư thêm 1,5 tỷ USD vào công ty OpenAI vào tháng trước thông qua một lời chào thầu của nhân viên.
Những câu hỏi sau thỏa thuận “trăm tỷ USD”
Về mặt địa chính trị, cam kết đầu tư của Softbank được xem như một động thái ngoại giao thông minh. Giới chức Nhật Bản đa phần đều đánh giá cao sáng kiến này, xem đó là cử chỉ thiện chí trong bối cảnh có nhiều lo ngại về chính sách thuế quan của Tổng thống đắc cử Trump với chính các đồng minh của Mỹ.
“Nhìn chung, tôi tin rằng việc mở rộng đầu tư thông qua tích lũy nỗ lực đều đặn giữa các công ty Nhật Bản và Mỹ sẽ giúp củng cố hơn nữa mối quan hệ kinh tế giữa hai nước. Do đó, tôi thấy điều này rất thú vị” - Yoji Muto, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết.
Sau nhiều năm khó khăn, SoftBank đã quay lại quỹ đạo sinh lời vào quý trước, nhờ lợi nhuận từ các khoản đầu tư của Vision Fund - một quỹ đầu tư mạo hiểm trị giá 100 triệu USD, được công bố vào năm 2017 để đầu tư vào các công ty công nghệ trên toàn thế giới. Một nửa số tiền đóng góp cho Vision Fund được huy động từ quỹ đầu tư của các quốc gia Trung Đông như Ả rập Xê út và Các Tiểu Vương Quốc Ả rập Thống Nhất (UAE).
Tuy nhiên, những câu hỏi về vấn đề việc làm cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích thỏa đáng. Đơn cử như trong thỏa thuận năm 2016, Softbank từng hứa hẹn đầu tư vào hàng chục công ty Mỹ như Slack hay DoorDash, song lại không công bố số liệu việc làm ước tính được tạo ra từ các khoản đầu tư của mình.
Một số yếu tố ngoại cảnh như thiên tai hoặc dịch bệnh cũng đẩy vấn đề việc làm trở nên phức tạp. Chẳng hạn vào năm 2017, gã khổng lồ sản xuất đồ điện tử Foxconn từng công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy trị giá 10 tỷ USD tại bang Wisconsin (Mỹ), dự kiến tạo thêm 13.000 việc làm mới. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tập đoàn phải cắt giảm, hoặc gạch bỏ hầu hết hạng mục của kế hoạch này. Đến năm 2021, Foxconn cho biết chỉ đầu tư 672 triệu USD vào một thỏa thuận đã sửa đổi, với số việc làm mới được tạo ra không quá con số 1.500.
Ngoài ra, việc SoftBank thực sự đáp ứng đủ 100 tỷ USD cho thỏa thuận của mình ở thời điểm hiện tại cũng là một dấu hỏi. Tính đến thời điểm đóng cửa thị trường ngày 16/12, toàn bộ vốn hóa thị trường của tập đoàn chỉ là 97 tỷ USD, trong đó 29 tỷ USD là tiền mặt cầm tay.
Tài sản có giá trị nhất của Softbank là cổ phần chi phối tại Arm. Hiện tại, vốn hóa thị trường của công ty AI này là 152,6 tỷ USD, với khoảng 90% cổ phần của SoftBank được định giá khoảng 137,3 tỷ USD. Nếu thanh lý, số tiền này sẽ dễ dàng bù đắp cho các cam kết tài chính mới đây của công ty. Tuy nhiên, SoftBank khó có khả năng bán toàn bộ cổ phần của mình vì việc bán ra một lượng lớn cổ phiếu có thể khiến giá cổ phiếu tụt dốc. Công ty chỉ có thể sử dụng cổ phần Arm làm đòn bẩy để vay nợ tài trợ cho các cam kết của mình.
Dù vậy, với tầm nhìn dài hạn về tiềm năng của AI và óc đầu tư nhạy bén của Masayoshi Son, khoản đầu tư 100 tỷ USD này có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cú hích lớn cho cả Softbank lẫn kinh tế tại Mỹ, ngay cả khi mục tiêu tạo việc làm có thể khó đạt được như kỳ vọng.
Con số đầu tư 100 tỷ USD lần này làm lu mờ hoàn toàn khoản đầu tư 50 tỷ USD và 50.000 việc làm mới tại Mỹ trong thỏa thuận đầu tiên của Softbank, được ấn định trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump tại Nhà Trắng cách đây 8 năm. "Tổng thống Trump là nhà lãnh đạo quyết liệt, nên tôi sẽ phải quyết liệt hơn nữa" - ông Masayoshi Son hóm hỉnh nói trong buổi họp báo hôm 16/12 tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago - tư dinh của ông Trump ở TP Palm Beach, bang Florida (Mỹ).