Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau kỷ lục 3.000 tỷ USD vốn hóa của Apple

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khởi nguồn từ một công ty sản xuất máy tính ở California (Mỹ) vào năm 1976, giá trị vốn hóa của Apple cán mốc 2.000 tỷ USD sau 44 năm.

Nhưng gây chấn động hơn cả, giá trị của Apple đã chỉ mất 16 tháng và 15 ngày để tăng thêm 1.000 tỷ USD, lên mốc 3.000 tỷ USD ngay trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu bởi đại dịch.
Bớt phụ thuộc iPhone
Sau khi giá cổ phiếu vượt qua mốc 182,86 USD/đơn vị ngay trong phiên giao dịch đầu năm 2022, Apple chính thức trở thành DN niêm yết công khai đầu tiên trên thế giới có vốn hóa thị trường đạt 3.000 tỷ USD. Giá cổ phiếu Apple tăng khoảng 5.800% kể từ thời điểm nhà sáng lập Steve Jobs (1955 - 2011) trình làng chiếc iPhone đầu tiên vào tháng 1/2007. Hiệu suất tăng trưởng này vượt xa con số 230% của S&P 500 nếu xét trên cùng giai đoạn.

Giám đốc điều hành Tim Cook phát biểu trong một sự kiện đặc biệt của Apple tại San Francisco, California. Ảnh: Getty Images
Giám đốc điều hành Tim Cook phát biểu trong một sự kiện đặc biệt của Apple tại San Francisco, California. Ảnh: Getty Images

Giới đầu tư từng cho rằng cổ phiếu Apple phụ thuộc quá nhiều vào doanh số bán iPhone - hiện ước tính có 1 tỷ người dùng trên toàn cầu. Tuy nhiên, Apple đã chứng minh điện thoại thông minh này chỉ đang nằm ở trung tâm của một hệ sinh thái “bội thu” gồm những tiện ích khác nhau như Apple Watch, Apple AirTags hay dịch vụ trả phí như truyền hình, lớp học trực tuyến…
Dưới sự điều hành của CEO đương nhiệm Tim Cook, doanh thu từ hàng loạt dịch vụ như phát trực tiếp video, âm nhạc của công ty tăng mạnh. Đây được cho là yếu tố giúp doanh thu của hãng giảm sự phụ thuộc của iPhone từ 60% tổng doanh thu trong năm tài chính 2018 xuống còn 52% tổng doanh thu năm tài chính 2021.
“Đà tăng trưởng của Apple được duy trì bởi các sản phẩm “phải có” và danh mục dịch vụ ngày càng tăng. Giá trị cổ phiếu hiện tại là giấc mơ của giới đầu tư cách đây nhiều năm trước” - Trip Miller, đối tác quản lý tại Gullane Capital Partners, nói với Reuters. Trong khi Hal Eddins, nhà kinh tế trưởng tại Capital Investment Counsel, đồng thời là cổ đông Apple, cho rằng cổ phiếu của hãng là danh mục đầu tư an toàn khi vượt qua đại dịch và duy trì doanh số giai đoạn nghỉ lễ vững chắc.
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích tin rằng Apple vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới nếu các sản phẩm khác như Apple Car ra đời. Tuy nhiên, cũng đã có những lo ngại về việc “gã khổng lồ” công nghệ có thể đã chạm đến giới hạn tăng trưởng cơ sở người dùng và doanh thu từ mỗi khách hàng. Trong khi đó, không có gì đảm bảo các danh mục sản phẩm trong tương lai sẽ sinh lời như iPhone.
Chẳng hạn, nhà phân tích Toni Sacconaghi của Bernstein cảnh báo triển vọng của Apple trong lĩnh vực thực tế ảo và tăng cường có khả năng chỉ chiếm 4% doanh thu của hãng vào năm 2030, dù đây là lĩnh vực đầy tiềm năng. Trên hết, số lượng thiết bị tại toàn bộ thị trường khó có thể cán mốc 1 tỷ đơn vị cho đến năm 2040.
Vị chuyên gia cũng dự đoán, tốc độ tăng trưởng của hãng trong năm tài chính tiếp theo có thể chậm hơn dự kiến khi đến nay vẫn “chưa có chất xúc tác nào rõ ràng”. Ngoài ra, công ty cũng đang phải đối mặt với nguy cơ pháp lý từ giới chức các nước khu vực Mỹ và châu Âu đối với mô hình kinh doanh độc quyền, ăn chia lợi nhuận trên App Store.
Chiến lược gây tranh cãi
Theo New York Times, doanh thu khổng lồ và tỷ suất lợi nhuận lớn của Apple giúp công ty sở hữu kho dự trữ tiền mặt đủ lớn để “mua đứt” Starbucks hay Morgan Stanley. Cuối tháng 9/2021, hãng đã nắm giữ 190 tỷ USD tiền mặt. Tuy nhiên, thay vì thực hiện các vụ mua lại lớn hoặc xây dựng thêm nhà máy, Apple quyết định trả lại phần lớn tiền mặt cho nhà đầu tư bằng cách mua lại cổ phần thường (Share Buybacks).
Cụ thể, trong năm tài chính 2021, Apple đã chi tới 85,5 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của công ty và 14,5 tỷ USD để trả cổ tức - một con số đặc biệt hấp dẫn các nhà đầu tư. Hãng tin CNBC cho biết, Apple hiện là công ty chi nhiều tiền để mua lại cổ phiếu từ cổ đông nhất trong số những DN thực hiện chính sách này, như Meta Platform, Alphabet hay Bank of America. Hãng S&P Global Market Intelligence đã phải gọi Apple là “biểu tượng” cho chiến lược khiến giá cổ phiếu liên tục đi lên này.
Các khoản chi tiêu này diễn ra sau khi Apple sử dụng luật thuế năm 2017 để chuyển phần lớn trong số 252 tỷ USD tiền ở nước ngoài về Mỹ. Apple hiện là công ty đóng thuế lớn nhất tại Mỹ. Vào tháng 4/2021, công ty cho biết họ đã nộp 45 tỷ USD tiền thuế trong 5 năm trước đó. Trong 5 năm qua, Apple cũng mạnh tay chi hơn 82 tỷ USD cho hoạt động R&D và sử dụng khoảng 154.000 người, hơn 38.000 người so với 5 năm trước.
Nhìn chung, nhờ chiến lược này mà các nhà đầu tư đang coi cổ phiếu của Apple là bến đỗ an toàn, bởi dòng tiền lớn và liên tục nhận được cổ tức cũng như được mua lại cổ phiếu. Tuy nhiên, nó cũng gây ra một cuộc tranh luận trong giới phân tích. Một số nhà kinh tế tin rằng Apple “trả lại” tiền cho các cổ đông vì dư tiền mặt. Số khác thì chỉ trích rằng hoạt động mua lại cổ phiếu chỉ nhằm mục đích tăng giá trị công ty thay vì tập trung đầu tư vào kinh doanh, tăng lương cho công nhân hay giảm giá thành sản phẩm.
Điển hình, thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây là cuộc đình công tại nhà máy lắp ráp iPhone ở thị trấn Sriperumbudur, Ấn Độ, trong bối cảnh Apple đẩy mạnh sản xuất iPhone 13. Các nữ công nhân tại đây đã phải chấp nhận sống trong cảnh ký túc xá thiếu nước, thức ăn có giòi… Sức chịu đựng của họ lên đỉnh điểm khi 250 công nhân bị ngộ độc sau một bữa ăn vào tháng 12/2021, dẫn đến cuộc biểu tình khiến nhà máy với 17.000 nhân công phải ngừng hoạt động.
“Apple lẽ ra nên sử dụng số tiền mặt có trong tay để làm nhiều thứ. Thay vào đó, họ đang chăm chăm sử dụng nó để tăng giá cổ phiếu của mình” - William Lazonick, giáo sư kinh tế danh dự tại Đại học Massachusetts, bình luận trên New York Times.
Lazonick tin rằng việc mua lại làm tăng giá cổ phiếu, từ đó khuyến khích làn sóng mua vào và tạo động lực trên thị trường chứng khoán. Hoạt động mua lại cổ phiếu làm giảm tổng số cổ phiếu có sẵn, thúc đẩy giá trị cổ phiếu gia tăng. Vị chuyên gia cũng bày tỏ nghi ngờ về mức định giá 3.000 tỷ USD, cho rằng đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố.
“Không thể biết được bao nhiêu trong số đó là niềm tin, bao nhiêu là thao túng và bao nhiêu là sự đổi mới” - ông Lazonick nói.

 

"Không thể biết được bao nhiêu trong số đó là niềm tin, bao nhiêu là thao túng và bao nhiêu là sự đổi mới." - Giáo sư kinh tế danh dự tại Đại học Massachusetts William Lazonick