Nguy cơ leo thang căng thẳng
Phần Lan và Thụy Điển đã chính thức nộp đơn đăng ký làm thành viên NATO của họ tại Brussels vào sáng 18/5, chấm dứt chính sách lâu đời của 2 trong số ít các nước châu Âu vốn là điển hình của “quốc gia trung lập”.
Quá trình gia nhập sẽ mất nhiều tháng và phải được tất cả 30 thành viên NATO phê chuẩn. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiệt liệt hoan nghênh quyết định của 2 nước, đồng thời trấn an những lo ngại về sự phản đối của thành viên Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock bày tỏ tin tưởng rằng 2 quốc gia này sẽ được chấp thuận, trong khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hứa hẹn sẽ làm việc với các thành viên NATO khác và với Quốc hội Mỹ để đảm bảo tiến trình phê chuẩn diễn ra nhanh chóng.
Về mặt địa lý, nếu NATO chấp thuận yêu cầu kép này thì đây sẽ là sự mở rộng lớn nhất của liên minh Đại Tây Dương trong 2 thập kỷ qua, với việc nới rộng lãnh thổ thêm hơn 1.287km đến biên giới phía Bắc của Nga. Nhưng xét về mặt sức mạnh quân sự, sự bổ sung này dường như không đáng kể. Giới quan sát đánh giá, 30 thành viên hiện tại của NATO không thực sự cần những vũ khí và nhân lực mà Phần Lan hay Thụy Điển đang sở hữu.
Thụy Điển cũng đã cam kết không triển khai bất kỳ vũ khí hạt nhân hay căn cứ nào của NATO, trong khi Phần Lan tuyên bố sẽ không ấn định các điều kiện như vậy đối với tư cách thành viên nhưng vẫn có thể sẽ tuân theo trên thực tế.
Phản ứng với quyết định của Phần Lan và Thụy Điển, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Moscow không có vấn đề gì với 2 ứng viên mới của NATO, nhưng cảnh báo Nga sẵn sàng đáp trả nếu NATO gửi bất kỳ cơ sở hạ tầng quan trọng nào cho các nước này.
Tháng 4 vừa qua, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, một trong những đồng minh thân cận của Tổng thống Putin, đã tiết lộ với báo giới rằng Moscow có thể triển khai vũ khí hạt nhân và tên lửa siêu vượt âm ở Kaliningrad nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Tỉnh Kaliningrad nằm tách biệt với lãnh thổ chính của Nga, giáp biển Baltic và nằm giữa Latvia, Ba Lan - 2 quốc gia thành viên NATO khác. Điều này cũng có thể giải thích tại sao Thụy Điển lại sớm từ chối cả căn cứ và vũ khí hạt nhân cho quyết định gia nhập NATO của mình.
Leo Ensel, một nhà nghiên cứu xung đột tập trung vào không gian hậu Xô Viết, nhận định việc Thụy Điển và Phần Lan quan tâm đến việc gia nhập NATO là điều dễ hiểu, đặc biệt là sau khi chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine nổ ra. Nhưng ông cũng cảnh báo rằng khả năng trở thành thành viên của họ có thể tạo ra những vấn đề lớn hơn cho châu Âu.
“Hãy hình dung rằng sau các chấp thuận, Nga sẽ có một đường biên giới mới gần hơn với NATO. Và Nga chắc chắn sẽ coi đó là một mối đe dọa”, Ensel nói với hãng thông tấn Anadolu Agency của Thổ Nhĩ Kỳ. Vị chuyên gia người Đức lưu ý, Nga đã nhiều lần thể hiện lập trường muốn giữ khoảng cách an ninh lãnh thổ với NATO thông qua chiến dịch tại Ukraine, nhưng nguy cơ là điều ngược lại hoàn toàn sẽ xảy ra.
“Ở Nga, điều này chắc chắn được coi là một phần của sự leo thang, và Moscow sẽ phản ứng tương tự. Điều đó có nghĩa là tình hình của toàn châu Âu sẽ đồng loạt trở nên kịch tính hơn, thay vì chỉ tại Ukraine như lúc này” - chuyên gia Leo Ensel nói.
Đồng quan điểm, Đại tá về hưu của Quân đội Đức Bernd Biedermann cũng cảnh báo việc Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên NATO là bước đi “mạo hiểm” với an ninh châu Âu, đồng thời là bất lợi với chính Stockholm và Helsinki.
“Tôi lấy làm khó hiểu về quyết định của các Chính phủ Thụy Điển và Phần Lan, khi từ bỏ nguyên tắc trung lập vào đúng lúc này” - ông Biedermann nói - “Một khi là thành viên của NATO, sẽ không chỉ có cơ hội mà còn là nghĩa vụ bắt buộc phải tuân theo các chính sách của liên minh quân sự”. Đại tá này thậm chí ngờ rằng, Mỹ có thể đã ảnh hưởng đến phán quyết của giới tinh hoa ở Thụy Điển và Phần Lan.
Thỏa mãn một liên minh ưa chiến?
Trái với sự lo ngại của giới học giả châu Âu về nguy cơ kích hoạt một đòn trả đũa nguy hiểm từ Điện Kremlin, việc mở rộng lãnh thổ về phía Bắc của NATO có thể là một động lực thỏa mãn được nhiều bên mong đợi, nếu nhìn lại lịch sử thăng trầm của liên minh quân sự này.
Nhìn chung, bất cứ khi nào NATO phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tồn tại, xung đột và chiến tranh thường xuất hiện như một “liều thuốc” để vực dậy tổ chức.
Vào cuối Chiến tranh Lạnh, NATO đã bị nhiều nhà phê bình quân sự mỉa mai như là “một di tích”. Hiệp ước Warsaw mờ nhạt dần, Liên Xô đang trên bờ vực suy yếu và dường như không có lý do chính đáng nào để NATO tồn tại. Một thỏa thuận an ninh toàn diện đã được đưa ra từ giữa những năm 1970, tại Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu, vì vậy NATO được cho gần như đã có thể “nghỉ hưu”.
Nhưng thay vào đó, các chiến lược gia NATO lúc bấy giờ bắt đầu nói nhiều về các hoạt động “ngoài khu vực”, liên quan đến việc điều động quân đội đến Trung Đông và Bắc Phi để tham gia vào các nhiệm vụ khác nhau. Chiến tranh vùng Vịnh (1990 - 1991) có thể đã diễn ra nhằm phục vụ cho mục đích đó, mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ lúc đó George HW Bush đã chọn một liên minh đặc biệt hơn, chỉ bao gồm một số thành viên NATO nhất định, để đẩy Iraq ra khỏi Kuwait.
Trong Chiến tranh Nam Tư (1991- 2001), NATO ngày càng tham gia nhiều hơn khi xung đột lan đến Bosnia và cuối cùng là tham gia vào sứ mệnh chiến đấu đầu tiên của mình vào năm 1994, với việc bắn hạ 4 máy bay phản lực của Serbia khi thực thi vùng cấm bay.
Cuối năm đó, theo yêu cầu của Liên Hợp quốc, liên minh quân sự này đã tiến hành các cuộc không kích đầu tiên nhằm vào các mục tiêu của Serbia. Năm 1999, NATO tham gia vào một chiến dịch ném bom kéo dài 3 tháng nhằm vào Serbia để ngăn chặn sự can thiệp vào Kosovo.
Đáng nói, cuộc chiến ở Nam Tư và cuộc tranh luận về các hoạt động bên ngoài khu vực của NATO được cho đã mang lại lợi ích chính trị lớn với Nhà Trắng. Chính quyền Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ Bill Clinton đã dựa vào đó để thúc đẩy thông qua đề xuất mở rộng liên minh Đại Tây Dương về phía Đông, giữa những lời chỉ trích từ cánh hữu rằng ông chủ Nhà Trắng đang “khom lưng” để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa NATO và Điện Kremlin.
Các nước Đông Âu lúc bấy giờ cũng tỏ ra hào hứng với việc gia nhập NATO ở nhiều mức độ khác nhau, khi coi tư cách thành viên NATO là bước đầu tiên hướng tới điều họ thực sự muốn: Gia nhập Liên minh châu Âu (EU) để thúc đẩy kinh tế.
Sau các cuộc tấn công ngày 11/9, NATO viện dẫn Điều 5 để bảo vệ nước Mỹ bằng cách tham gia cuộc tấn công nhằm vào Afghanistan, một phần của Chiến dịch Kiên quyết Hỗ trợ.
Rõ ràng, Chiến tranh vùng Vịnh, các cuộc chiến ở Nam Tư, và sự kiện 11/9 đều đã “hồi sinh” NATO bằng cách thêm các hoạt động ngoài khu vực, các nhiệm vụ chiến đấu thực tế và tham gia vào “cuộc chiến chống khủng bố” vào danh mục. Trên con đường phát triển của mình, NATO đã đi khá xa khỏi trọng tâm ban đầu là "phòng thủ tập thể".
Một lần nữa, cuộc xung đột Moscow - Kiev đã mang lại cho NATO mục tiêu hành động mới, giữa bối cảnh Tổng thống Pháp Emmanuel Macron năm 2019 từng gây chấn động với bình luận: “NATO đang trong trạng thái chết não”. Ukraine không phải là thành viên của liên minh, do đó không có khả năng sử dụng cơ chế phòng thủ tập thể theo Điều 5.
Mặt khác, các nước Baltic nhỏ bé vẫn là bất khả xâm phạm, mặc dù có lực lượng quân đội khiêm tốn. Để thấy, với một “cơn bão” hoành hành ở biên giới châu Âu như vậy, không quá khó hiểu khi Thụy Điển và Phần Lan quyết định co lại dưới cánh tay rộng mở của NATO.
"Một khi là thành viên của NATO, sẽ không chỉ có cơ hội mà còn là nghĩa vụ bắt buộc phải tuân theo các chính sách của liên minh quân sự." - Đại tá về hưu của Quân đội Đức Bernd Biedermann