Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đằng sau sự hồi sinh của nền kinh tế Nhật Bản

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhật Bản đang có những bước đi mới nhằm khôi phục và đưa nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trở về thời kỳ đỉnh cao khi tăng trưởng 5 quý liên tiếp. Trong quá trình hồi sinh của nền kinh tế Nhật Bản, nổi lên là sự trỗi dậy của các tập đoàn như Softbank, Sony.

Các đợt hàng xuất khẩu được đóng tại cảng Yokohama, Nhật Bản.

Mới đây, các nhà lãnh đạo Sony đã có cuộc gặp với các nhà phân tích và nhà đầu tư để thảo luận về tương lai công ty, phải khẳng định một điều, sau 5 năm kể từ khi ông Kazuo Hirai được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc, Sony đã có bước tinh giản mạnh mẽ, song với xu thế “ít nhưng chất”. Điển hình như, trong 5 năm này, Sony chứng kiến cổ phiếu tăng gấp đôi giá trị. Thành tựu lớn nhất của ông Hirai là việc đưa mảng điện tử tiêu dùng có lãi trở lại. Ông đã quyết định cắt giảm chi phí trong mọi bộ phận, từ tivi đến smartphone, đồng thời rút khỏi các mảng kinh doanh không có lãi. Giới quan sát nhận định, tuy việc ông Kazuo tăng cường vào hoạt động nghiên cứu và phát triển, dẫn đến việc sản phẩm ít hơn, song chất lượng lại tốt hơn.

Cùng với Sony, Tập đoàn Softbank cũng được đánh giá là một trong những DN đang có những bước tiến trong kinh doanh ngành công nghệ điện tử - một trong những ngành nghề nổi tiếng tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới. Tập đoàn Softbank cùng quỹ đầu tư quốc gia Ả Rập Saudi vừa cùng nhau lập quỹ đầu tư công nghệ hơn 93 tỷ USD để phát triển trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ robot và ứng dụng di động. Quỹ chung giữa Softbank và Ả Rập Saudi được Chủ tịch Softbank, tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son, cùng Phó Hoàng thái tử Mohammed Bin Salman, người cải cách kinh tế Ả Rập Saudi công bố hồi tháng 10/2016. Quỹ thu hút nhiều sự chú ý hơn khi ông Son gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump, hứa tạo 50.000 việc làm ở Mỹ và đầu tư 50 tỉ USD vào nền kinh tế số một thế giới.

Một báo cáo mới đây cho thấy, kinh tế Nhật Bản đã tăng quý thứ 5 liên tiếp, ghi nhận chuỗi tăng trưởng dài nhất của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới kể từ năm 2006. Nguyên nhân cho sự tăng trưởng mạnh mẽ này là chi tiêu tiêu dùng được cải thiện, cùng với kim ngạch xuất khẩu tăng. Có thể nhận thấy, bước đi mạnh mẽ của các tập đoàn Nhật Bản đang thu về những kết quả khả quan, nhất là trong vấn đề xuất khẩu của xứ Anh đào. Theo số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản mới công bố, xuất khẩu tháng 4 tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó, xuất khẩu của Nhật Bản sang Mỹ tăng 2,6% trong tháng 4 so với cùng thời điểm. Các chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng, và sản xuất nội địa đi lên cũng có thể kéo theo nhập khẩu tăng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những tập đoàn tại Nhật Bản không thoát được cơn lốc của cuộc cạnh tranh công nghệ đầy khốc liệt. Là tập đoàn tiên phong trên thị trường máy tính xách tay, tivi và các đồ điện tử gia dụng khác, song Toshiba cũng gia nhập vào nhóm các công ty Nhật Bản gặp khó khăn và cần sự trợ giúp từ vốn vay ngân hàng. Toshiba là “đế chế” cuối cùng còn đủ sức để tồn tại qua cơn bão giảm phát kéo dài hơn hai mươi năm qua. Tuy nhiên, tập đoàn này đã mất thị phần về tay các đối thủ Trung Quốc và Hàn Quốc trong các mảng kinh doanh chủ chốt… Do vậy, để khôi phục hoàn toàn và trở về thời kỳ hoàng kim, các nhà hoạch định chính sách, chính phủ Nhật Bản cũng cần phải đưa ra những kế sách giúp các DN nước này thoát khỏi tình trạng khó khăn như hiện nay.