Nhiều thủ đoạn mới
Trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước tình trạng nhập lậu cá tầm diễn biến phức tạp, chủ yếu được vận chuyển qua một số tỉnh vùng biên giới phía Bắc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai... đáng chú ý có thông tin, trong nhiều con đường vận chuyển, hàng không là cách vận chuyển điển hình nhất. Tại một cuộc họp vừa diễn ra trong tháng 6 về tình trạng cá tầm nhập lậu theo đường hàng không, Bộ NN&PTNT cũng chỉ đạo Cục Thú y cần triển khai ngay việc quản lý sản phẩm này tại Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hồng, cơ quan hải quan Hà Nội khu vực Nội Bài khẳng định, sau khi "đội lốt" cá tầm Việt, hàng lậu sẽ tràn vào thị trường nhưng không có chuyện cá tầm vận chuyển qua đường hàng không tại sân bay Nội Bài. Giải thích rõ hơn, ông Hồng cho biết, theo quy định, hàng được vận chuyển qua đường hàng không phải được đóng gói cẩn thận, phải tuân theo quy định về an toàn hàng không. "Việc vận chuyển thực phẩm tươi sống qua đường hàng không chủ yếu phải bảo quản bằng thùng xốp có chứa đá khô, còn nếu bảo vận chuyển nước cho cá sống là không thể. Hơn nữa, giá 1kg cá tầm trong nước khoảng 160.000 đồng, trong khi cước phí vận tải 1 kg hàng không từ 1,5 đến 10 USD. Ngoài ra, tại Sân bay Nội Bài hiện có 16 lực lượng kiểm tra từ T.Ư đến địa phương. Do đó, thông tin cá tầm nhập lậu qua đường hàng không là không có" - ông Hồng khẳng định.
Kiểm tra bắt giữ xe vận chuyển gia cầm không rõ nguồn gốc tại Hà Nội. Ảnh:Yên Hưng
Theo Bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương - Phó trưởng ban BCĐ 127, tất cả cá tầm đang được tiêu thụ trên thị trường hiện nay nếu kiểm tra không chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ sẽ buộc phải tiêu hủy.
Đề cập đến những vi phạm tại cây xăng Hồng Dương (thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) mà báo Kinh tế & Đô thị đã đưa tin, đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, hiện vẫn chưa có kết quả cụ thể. Tuy nhiên, nếu kết quả xác nhận xăng bán ra không đảm bảo chất lượng quy định, chủ cây xăng này có thể phải chịu mức phạt tối đa là 10 - 20 triệu đồng và bị cấm hoạt động trong vòng một năm. |
Báo cáo tại buổi họp về kết quả ngăn chặn vận chuyển, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu trên địa bàn, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội Phạm Xuân Bình, thành viên BCĐ 127 cho biết, hiện tình trạng gia cầm nhập lậu trên địa bàn Hà Nội cơ bản đã được kiểm soát. Tuy nhiên, công cuộc ngăn chặn nhập lậu trứng và giống gia cầm vẫn còn khá cam go. Đã có một số thủ đoạn mới được dân buôn lậu thực hiện như: Không vận chuyển số lượng lớn, trà trộn với gà nuôi trong nước, sơ chế giết mổ để tiêu thụ… Theo ông Bình, thời gian tới, lực lượng công an chuyên ngành và Chi cục QLTT Hà Nội cần chủ động nắm bắt tình hình thị trường, phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền địa phương để thực hiện tốt việc ngăn chặn và xử lý triệt để các vi phạm có liên quan.
Tập trung kiểm soát hàng nhập lậu
Theo báo cáo của BCĐ 127 TP, 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã kiểm tra gần 15.899 vụ về buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại, xử phạt và nộp ngân sách hơn 994 tỷ đồng. Tuy nhiên, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại vẫn còn những tồn tại, như: Việc dự báo thị trường, phối hợp thông tin tại một số đơn vị chưa chủ động; công tác đấu tranh, xử lý tội phạm này còn nhiều bất cập; việc thực thi quyết định xử phạt, nhất là xử phạt hàng giả, xử phạt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, hàng giả hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (hầu hết là hàng tiêu dùng)... còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, hình thức giả mạo hình ảnh, nhãn mác nổi tiếng (LV, Adidas, Gucci...) diễn ra khá phổ biến nhưng với thủ đoạn tinh vi khiến lực lượng chức năng khó phát hiện, xử lý.
Theo dự báo, 6 tháng cuối năm 2013, hàng tồn kho nhiều; hàng giá rẻ được tiêu thụ mạnh… càng làm gia tăng tình trạng buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, gian lận thương mại. Chính vì thế, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu yêu cầu, lực lượng chức năng của TP phải chú trọng hơn nữa công tác nắm tình hình, công tác điều tra cơ bản tránh đánh theo kiểu mùa vụ, phong trào. Phó Chủ tịch đề nghị: "Từng thành viên BCĐ 127 TP cần phải làm tốt hơn nữa việc nắm bắt tình hình, điều tra cơ bản. Cùng với việc nâng cao ý thức trách nhiệm về công việc cũng cần tăng cường công tác phòng ngừa tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thực thi công vụ.
Dấu hiệu bất thường xe ô tô nhập khẩu bằng hình thức quà biếu, quà tặng Theo ông Nguyễn Văn Hồng (Cục Hải quan Hà Nội), thời gian gần đây, đơn vị này nhận được khá nhiều hồ sơ đề nghị cho nhập khẩu xe ô tô theo chế độ quà biếu, tặng. Đây đều là những thương hiệu nổi tiếng, nếu nhập theo đường chính ngạch, giá sau thuế có khi đến hàng chục tỷ đồng. Có khả năng doanh nghiệp đang "lách" những quy định của Nhà nước để nhập khẩu ô tô dòng sang bằng cách xin nhập khẩu hàng phi mậu dịch theo chế độ quà biếu, quà tặng. |