Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh chết người vì cho rằng "bỏ thuốc độc", báo động đỏ về thiếu hiểu biết

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Các vụ việc liên quan đến nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ("đồ độc") ở khu vực miền núi Quảng Ngãi giảm cả về số vụ, số người chết, bị thương và số vụ khởi tố hình sự.

Người chết, kẻ vướng lao lý

Ông Đinh Văn Nương (sinh năm 1954, thôn Gò Da, xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà) bị bệnh nặng, đi chữa trị tại bệnh viện Đà Nẵng, được các bác sỹ kết luận bị ung thư gan giai đoạn cuối. Ông được đưa về nhà chăm sóc và mất ngày 28/12/2013.

Sau khi mai táng, gia đình đi xem bói, được phán rằng ông chết là do người phụ nữ cùng xóm bỏ “đồ độc” làm hại. Trước đó, người dân và nhà ông Nương nghi bà Đinh Thị Na có "đồ độc” vì bà hay đi lại vào ban đêm.

Tin lời thầy bói, gia đình ông Nương yêu cầu chính quyền thôn Gò Da họp dân để tra xét. Tại buổi họp dân, các con ông Nương đánh bà Na, vì đau quá nên bà Na đã nhận bỏ "đồ độc" hại ông Nương và bồi thường khoảng 60 triệu đồng.

Các con của ông Nương lại tiếp tục nghi bà Đinh Thị Nới bỏ "đồ độc" hại ông Nương. Bà Nới cũng bị buộc phải bồi thường khoảng 40 triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, họ còn làm 52 túi đồ, mang chôn, giấu ở 25 nhà hộ dân trong xóm và ép bà Na đi đến những vị trí này để lấy ra.

Gói cỏ cây và trứng gà được cho là "đồ độc".
Gói cỏ cây và trứng gà được cho là "đồ độc".

Sự việc càng trở nên nghiêm trọng khi Đinh Văn Hút (con ông Nương) cùng Đinh Văn Bẽo (ở cùng xóm đánh) chết bà Na, còn bà Nới may mắn chạy thoát. Sau đó, lực lượng công an bắt, đề nghị khởi tố Đinh Văn Hút và Đinh Văn Bẽo về tội giết người.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Ngãi gồm 61 xã, 8 thôn thuộc 5 huyện miền núi, 3 huyện đồng bằng. Tổng diện tích tự nhiên toàn vùng chiếm hơn 63% diện tích của tỉnh với hơn 54.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là H’re, Cor, Ca dong.

Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu sinh sống ở các huyện miền núi, thuộc vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, dân cư thưa thớt; trình độ dân trí còn thấp, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Do đó, một số hủ tục lạc hậu vẫn còn tồn tại trong tiềm thức của người dân chưa được xóa bỏ, điển hình nhất là tệ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc". Hủ tục này diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết địa bàn các huyện miền núi, tác động không nhỏ đến tâm lý, tư tưởng của đồng bào dân tộc thiểu số và tình hình an ninh, trật tự ở địa phương.

Những người bị nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" thường bị dân làng xa lánh.
Những người bị nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" thường bị dân làng xa lánh.

Những người bị tình nghi có hoạt động "cầm đồ thuốc độc" thường bị dân làng xa lánh, không còn uy tín, danh dự. Nhiều người phải bỏ làng đi sinh sống nơi khác, không dám ở lại địa phương; thậm chí có trường hợp bị đánh chết, bị thương phải xử lý hình sự.

Trường hợp bà Na bị đánh chết là một điển hình trong số nhiều vụ việc đau lòng bởi nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc". Theo thống kê, từ năm 2003 - 2014, trên địa bàn các huyện miền núi  Quảng Ngãi xảy ra 164 vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" làm 7 người chết, 14 người bị thương. Cơ quan chức năng đã khởi tố 4 vụ với 12 bị can.

Quyết tâm đẩy lùi tệ nạn

Trước thực trạng trên, ngày 13/3/2014, Tỉnh ủy Quảng Ngãi ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng nhằm ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.

 

Nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” là một hủ tục mê tín dị đoan, lạc hậu của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Trong suy nghĩ của người H’re, đây là một hỗn hợp gồm đất lấy từ mộ của người chết, xương động vật, mẻ ché, mẻ chén, lông trâu… được trộn lẫn và gói thành miếng nhỏ. Mọi người tin rằng “đồ” được người “cầm đồ” phù phép nên có quyền năng lớn, có thể trừ ma quỷ, bệnh tật, nhưng cũng có thể gây bệnh tật, giết người, vật nuôi.

Sau 10 năm triển khai, Chỉ thị số 30 đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong quá trình thực hiện.

Công tác nắm tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của nhân dân được tăng cường, kịp thời phát hiện khi có dấu hiệu mâu thuẫn, liên quan đến nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" để tuyên truyền, giải thích, ngăn chặn ngay tại cơ sở, không để Nhân dân tự giải quyết bằng hình thức phạt vạ lẫn nhau.

Đặc biệt, khi xảy ra vụ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc", lực lượng công an các cấp tập trung bám sát địa bàn, nắm chắc diễn biến tình hình vụ việc, tham mưu cho cấp thẩm quyền thành lập đoàn công tác liên ngành tổ chức giải quyết; triển khai lực lượng bảo vệ tính mạng, tài sản người bị nghi, ngăn chặn hành vi quá khích, vi phạm pháp luật của người dân.

Một buổi hòa giải nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" được chính quyền tổ chức ở xã Trà Tây (huyện Trà Bồng).
Một buổi hòa giải nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" được chính quyền tổ chức ở xã Trà Tây (huyện Trà Bồng).

Đồng thời, tổ chức họp dân để giải thích làm rõ những mâu thuẫn dẫn đến nghi kỵ. Tranh thủ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tham gia giải quyết những vụ việc liên quan đến nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc", nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Nhờ đó, tệ nghị kỵ "cầm đồ thuốc độc" đã giảm đáng kể. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn các huyện miền núi xảy ra 57 vụ, đã giải quyết thông qua công tác vận động, hòa giải 55/57 vụ; khởi tố hình sự 2 vụ khởi tố với 5 bị can.

Một vụ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc "được hòa giải sau khi các cơ quan chức năng, chính quyền tuyên truyền, vận động.
Một vụ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc "được hòa giải sau khi các cơ quan chức năng, chính quyền tuyên truyền, vận động.

“Giai đoạn trước ở đây thường xảy ra việc nghi kỵ "đồ độc" mỗi khi có ai đau bệnh hoặc vật nuôi trong nhà ốm, chết. Bây giờ tình trạng đó giảm hẳn, có bệnh là đi bệnh viện, mua thuốc về điều trị”- già Hồ Văn Biên (xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng) cho hay.

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy, việc ngăn chặn, hạn chế, tiến tới đẩy lùi tệ nạn nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" là một nhiệm vụ chính trị quan trọng lâu dài.

Do đó, thời gian tới, các ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 30 của Tỉnh ủy gắn thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Cần định hướng công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống mê tín dị đoan; phân tích rõ tác hại của tệ nạn nghi kỵ cầm đồ thuốc độc; phát huy những phong tục, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiến tới xóa bỏ tập tục lạc hậu, phản khoa học.

Phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho người có uy tín về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kỹ năng tuyên truyền, vận động và giải quyết những mâu thuẫn,... nhằm đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tệ nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" ở địa phương.

Lực lượng công an các cấp, nhất là ở miền núi Quảng Ngãi, cần tích cực nắm tình hình liên quan đến các vụ việc nghi kỵ "cầm đồ thuốc độc" để kịp thời ngăn chặn, xử lý, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, gây mất trật tự, an toàn xã hội.