Đánh cược với Công Phượng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chấn thương trong một pha tranh bóng ở vòng loại U23 châu Á khiến Công Phượng phải chia tay sân cỏ ít nhất 3 tháng.

Điều này đồng nghĩa với việc bản hợp đồng sang thi đấu ở J-League 2 (CLB Mito Hollyhock) đang đối diện với nguy cơ đổ bể. Nhưng, ngay cả khi họ kiên nhẫn chờ đợi thì sự rủi ro vẫn có thể xảy đến.
Đánh cược với Công Phượng - Ảnh 1
Theo thỏa thuận giữa HAGL và Mito Hollyhock, Công Phượng sẽ tham dự J-League 2 trong thời gian 1 năm. Mức lương, số tiền lót tay của cầu thủ này cũng được hai bên đi đến thỏa thuận. Nhưng, người trong cuộc không mấy quan tâm đến tiền bạc mà họ cần Công Phượng cho những tính toán về mặt thương hiệu. Mito Hollyhock muốn có cầu thủ trẻ đang có sức hút lớn nhất Việt Nam hiện nay. HAGL cũng cần có cầu thủ thi đấu ở nước ngoài để chứng minh tính ưu việt của học viện bóng đá mà mình đang quản lý. Rồi, Công Phượng có thể là từ khóa về thương hiệu cho chính Tập đoàn HAGL của bầu Đức trong thời gian tới.

Thế nhưng, việc Công Phượng bị gãy xương quai xanh phải nghỉ thi đấu dài hạn khiến Mito Hollyhock như ngồi trên lửa. Họ sắp tập trung trở lại nhằm chuẩn bị cho mùa giải mới nên rất cần những cầu thủ có nền tảng thể lực sung mãn. Vì thế, đội bóng Nhật Bản đã yêu cầu HAGL gửi hồ sơ bệnh án của Công Phượng để các bác sĩ nghiên cứu về tiến độ hồi phục. Họ sẽ quyết định xem có nên tiếp tục bản hợp đồng với Công Phượng hay không. Bởi lẽ, nếu thời gian hồi phục quá dài thì Mito Hollyhock phải tìm một phương án khác.

Sau khi có hồ sơ bệnh án của Công Phượng, Mito Hollyhock và HAGL quyết định sẽ đưa tiền đạo trẻ sang Nhật sớm hơn dự kiến. Công Phượng sẽ tập trung cùng đội bóng Nhật Bản ngay sau Tết cổ truyền Việt Nam. Điều này sẽ giúp Công Phượng nhận được sự chăm sóc y tế tốt hơn. Ở Nhật, trang thiết bị phục vụ cho quá trình hồi phục tốt hơn nên khả năng Công Phượng trở lại thi đấu được dự báo sẽ sớm hơn.

Sở dĩ mà HAGL và Mito Hollyhock không muốn bản hợp đồng của Công Phượng bị đổ vỡ vì chấn thương là do họ sẽ mất nhiều hơn cầu thủ. Những kế hoạch truyền thông và quảng bá sự kiện liên quan đến Công Phượng đã được lên một cách dày đặc. Thậm chí, ngay cả Tuấn Anh - cầu thủ không có sức hút bằng Công Phượng đã chính thức thực hiện trách nhiệm với đơn vị chủ quản là Yokohama FC thông qua việc quảng bá cho một siêu thị của Nhật tại Hà Nội.

Các đội bóng Nhật coi những ngôi sao của bầu Đức là chìa khóa mở ra cánh cửa vào thị trường Việt Nam. Nó không chỉ giúp J.League được dư luận quan tâm hơn, mà còn tạo ra cơ hội xâm nhập thị trường Việt Nam cho các DN Nhật Bản. Người Nhật coi bóng đá là đòn bẩy cho kinh tế nên mỗi bản hợp đồng của họ đều có ý nghĩa nhất định.

Mito Hollyhock và HAGL đang phải đánh cược vì Công Phượng. Một lựa chọn không thể khác khi mà hai bên đặt quá nhiều mục tiêu trong bản hợp đồng này. Họ chỉ còn lựa chọn duy nhất là kiên nhẫn chờ cầu thủ HAGL bình phục. Nhưng, bản thân việc coi những giá trị thương mại cao hơn chuyên môn cũng là sự mạo hiểm với thương hiệu. Nếu Công Phượng bị ngợp ở một giải đấu khắc nghiệt thì không chỉ anh bị thui chột mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu của bầu Đức.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần