Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo phát triển KT-XH:

Đánh giá cụ thể hơn về rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng 11/5, tại phiên họp 11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021; tình hình triển khai những tháng đầu năm 2022.

Thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022 đạt 46,6% dự toán

Theo báo cáo của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, so với báo cáo tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều chỉ tiêu sau khi đánh giá bổ sung đã đạt được kết quả tích cực hơn, tuy nhiên một số chỉ tiêu không đạt được như mức đã dự kiến.

Những thay đổi tích cực như chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số đã báo cáo Quốc hội là dưới 4%); thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt khoảng 1.568,4 nghìn tỷ đồng, tăng 202,9 nghìn tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội; bội chi NSNN thấp hơn dự toán là 4%; xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD (số đã báo cáo là nhập siêu khoảng 2 tỷ USD); thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng cao 25,2%...

Quang cảnh phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Về tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, theo Chính phủ, nhiều giải pháp đồng bộ đã được triển khai để bảo đảm nguồn cung, ổn định giá xăng dầu, lương thực, thực phẩm, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá… Tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng/2022 đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP quý I ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ các năm 2020-2021. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 46,6% dự toán. Xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, tính chung 4 tháng đầu năm tăng 16,4% so với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước tăng 21,6%, gấp gần 1,5 lần tốc độ tăng của khu vực FDI. Tăng 15,4%, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, cao nhất cùng kỳ từ trước đến nay... Tình hình lao động, việc làm có bước khởi sắc.

Làm rõ trách nhiệm giải ngân một số dự án, chương trình chậm

Trong báo cáo thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với các kết quả đạt được. Đồng thời cũng cho rằng, việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Việc chưa thống nhất trình danh mục, phương án phân bổ vốn đầu tư công thuộc Chương trình và phương án điều chỉnh linh hoạt nguồn vốn đầu tư công dẫn tới khó hoàn thành yêu cầu theo mốc thời hạn của Nghị quyết, ảnh hưởng đến kết quả hỗ trợ 2% cho tăng trưởng GDP năm 2022 như mục tiêu đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm đạt 18,48% tương đương cùng kỳ năm 2021, trong đó 17 bộ, cơ quan T.Ư chưa giải ngân, cơ quan thẩm tra đề nghị, báo cáo chi tiết về tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân, khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm, tình hình triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia; trong đó có việc thiếu hụt vật liệu thi công, chậm bàn giao mặt bằng phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông; tình trạng chậm tiến độ dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Việc triển khai thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chậm, dẫn tới phải chuyển nguồn toàn bộ 24.000 tỷ đồng sang năm 2022. “Đề nghị chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của cá nhân, tập thể dẫn tới việc chậm trễ nêu trên” – Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ rõ, về thị trường chứng khoán đã xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; việc thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa bảo đảm. Cùng với đó, có một số lượng lớn các nhà đầu tư mới (khoảng 1,5 triệu) không chuyên tham gia thị trường, nhưng thiếu kiến thức về tài chính, hay ít quan tâm đến hiệu quả hoạt động kinh doanh, sẽ dẫn đến những rủi ro thua lỗ, khiến thị trường tăng trưởng không bền vững, ổn định. 

“Về thị trường trái phiếu, đề nghị đánh giá cụ thể những rủi ro đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, trong đó cần làm rõ rủi ro các doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn và có các giải pháp phù hợp để giải quyết” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đặc biệt, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng chỉ ra, việc sử dụng đất tại một số nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp. Do đó, cần báo cáo rõ hơn tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; hiện tượng môi giới bất động sản liên kết làm giá, gây sốt đất, làm bất ổn thị trường; việc giao đất không qua đấu giá làm thất thoát cho ngân sách nhà nước; hiệu quả sử dụng đất của các dự án dở dang còn nhiều hạn chế, các lô đất đã trúng thầu hoặc trúng đấu giá nhưng lại sang nhượng qua tay để thu lợi, đầu tư dở dang hoặc bỏ đất trống, gây lãng phí, không phát huy được nguồn lực quan trọng này.

Đại diện Ủy ban Kinh tế đề nghị cần có giải pháp quản lý chặt chẽ các giao dịch bất động sản chưa đạt chuẩn; có giải pháp phù hợp để xác định sát giá thị trường bất động sản nhằm tránh thất thu thuế. Nghiên cứu, đánh giá, có phương án ứng xử, tiếp cận phù hợp, kịp thời sửa đổi hoặc đề xuất sửa đổi các quy định pháp luật nhằm ổn định thị trường, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Quyết tâm, ưu tiên bố trí nguồn lực để hoàn thành việc sửa đổi Luật Đất đai trong năm 2023.

Lo vì thị trường chứng khoán quá bất thường

Thảo luận sau đó, liên quan vấn đề thị trường chứng khóan, trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh "thị trường chứng khoán quá bất thường". "Ngày nào tôi cũng xem chứng khoán. Thị trường gần đây bất thường, có phiên giảm đến hơn 4,4%, rồi hôm qua (ngày 10-5) thì có phiên giao dịch "sáng nắng, chiều mưa". Thị trường gần đây bất thường không ngày nào ổn định như thế, có yên tâm được không?"- Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời đề cập đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm ngoái chúng ta để thị trường "quá nóng", cần làm rõ nguyên nhân ở đâu ra và Nghị định không chặt chẽ thì ai chịu trách nhiệm.

Nêu ý kiến giải trình sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, thị trường vốn (cổ phiếu, trái phiếu), thị trường tiền tệ (liên quan ngân hàng), thị trường bất động sản (liên quan đất đai) có sự "liên thông nhau". Trong đó, với thị trường bất động sản, theo Phó Thủ tướng Chỉnh phủ, hiện chưa tiếp cận đến cung thật sự, cầu thật sự và cung - cầu hiện nay không thực tế và việc đầu cơ, mua bán găm giữ, vốn chảy vào đây còn nhiều vấn đề, kể cả thị trường vốn, kể cả thị trường tiền tệ.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Thừa nhận đây là bất cập rất lớn, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, sau khi phát hiện, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nhanh chóng có đánh giá, tổ chức thực hiện, trong đó phải kiểm soát thị trường nếu không sẽ ảnh hưởng tới vĩ mô, đặc biệt kiểm soát lạm phát sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định để sửa Nghị định 153 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Đồng thời cho biết, trong lúc chưa sửa được Nghị định, giao Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình, đặc biệt báo cáo đầy đủ tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường tiền tệ cho vay của bất động sản với những khoản nào tới hạn và với trái phiếu phát hành mới thì rà soát, đánh giá rủi ro để kiểm soát tốt nhất trong lúc chưa hoàn thiện thể chế để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

 

Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH

Liên quan kết quả thực hiện NSNN năm 2021, tình hình triển khai thực hiện dự toán NSNN năm 2022, trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, tổng thu NSNN năm 2021 vượt khá cao so với dự toán (tăng 16,8%), song cũng cần lưu ý đến công tác dự báo kết quả thu NSNN năm 2021 phục vụ việc lập dự toán NSNN năm 2022 chưa sát thực tiễn. Nợ thuế của doanh nghiệp vẫn có xu hướng tăng. Công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp không đạt yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo thẩm tại tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường báo cáo thẩm tại tại Phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có giải pháp tháo gỡ, khắc phục tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; báo cáo tổng thể về số chuyển nguồn để có thêm căn cứ trong xây dựng dự toán cũng như có giải pháp khắc phục.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Phú Cường tình hình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế: Nguồn vốn chưa đi vào thực tế; chưa phân bổ vốn cho các dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; việc thực hiện điều hòa nguồn vốn giữa các dự án chậm. Các gói phục hồi liên quan đến y tế, giáo dục, công nghệ, chuyển đổi số đều chậm triển khai. Do đó, đề nghị Chính phủ xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện chi tiết, cụ thể hơn; đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia.