Đánh giá giảng viên: Muốn thực hiện tốt, phải có lộ trình

Chia sẻ Zalo

KTĐT - “Đây sẽ là cơ hội tốt để sinh viên được nói lên ý kiến của mình”, Phạm Thị Hà, sinh viên Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.

KTĐT - “Đây sẽ là cơ hội tốt để sinh viên được nói lên ý kiến của mình”, Phạm Thị Hà, sinh viên Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.

Tin Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định triển khai rộng hoạt động sinh viên đánh giá giảng viên trong năm học này đã làm xôn xao khắp các giảng đường và gây nhiều mối băn khoăn...

Sinh viên háo hức, nhưng nhiều nghi ngờ

Được đưa ra ý kiến của mình về thầy cô có lẽ là một điều mới lạ với sinh viên nói riêng và học sinh Việt Nam nói chung.

“Đây sẽ là cơ hội tốt để sinh viên được nói lên ý kiến của mình”, Phạm Thị Hà, sinh viên Đại học Luật Hà Nội chia sẻ.

Còn với Nguyễn Thị Phương, Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, cách làm này sẽ giúp thầy trò gần gũi hơn, rút ngắn khoảng cách vô hình vốn khá rộng giữa giảng viên và sinh viên.

Háo hức, nhưng bên cạnh đó là tâm lý lo ngại. “Điều quan trọng là sau khi sinh viên đóng góp ý kiến thì các ý kiến đó được tập hợp như thế nào? Nghe thì hay, nhưng rất dễ rơi vào hình thức hóa”, Hà băn khoăn.

Cùng lo lắng này, Nguyễn Thị Lan Hương, sinh viên Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, đặt câu hỏi: “Kết quả đó có công khai không? Nhiều ý kiến cho rằng nếu công khai, sợ ảnh hưởng tới uy tín của thầy cô. Nhưng không công khai thì làm sao chúng em biết được kết quả việc làm của mình? Giả sử có trường hợp tiêu cực, kết quả thật bị giấu nhẹm thì ai kiểm chứng?”.

Nhìn ở một góc độ khác, Đặng Cẩm Thơ, sinh viên Đại học Luật Hà Nội cho rằng đây chỉ là biện pháp tình thế, đối phó với dư luận về giáo dục và không khả thi. “Thầy nói, trò nghe đã là thói quen, là luật bất thành văn của học sinh Việt Nam, đã ăn mòn vào tư tưởng. Thay đổi cả một truyền thống giáo dục không phải đơn giản, cho dù đây là quan điểm dân chủ, hiện đại. Vì thế, muốn thực hiện, trước hết phải chuyển đổi từ trong tư tưởng. Nếu với tư tưởng cũ và thực hiện phương pháp mới, sinh viên sẽ thực hiện theo hướng tiêu cực là bắt lỗi giảng viên”.

Muốn thực hiện tốt, phải có lộ trình


Trong khi sinh viên còn nhiều lo lắng thì các giảng viên cũng không ít e ngại. Liệu sinh viên đánh giá có đúng, có công bằng không và có lạm dụng quyền của mình không là điều được các thầy cô băn khoăn nhất. Theo đó, hầu hết các giảng viên đều cho rằng chủ trương là đúng, nhưng trong việc thực hiện cần có lộ trình.

Thầy giáo Nguyễn Hoàng Hải, Đại học Luật Hà Nội, chia sẻ: “Muốn có đánh giá tốt thì sinh viên phải có tư duy tự lập, khách quan, trong khi đó sinh viên của mình lại có truyền thống thụ động từ phổ thông. Chúng tôi sẵn sàng để sinh viên đánh giá, nhưng sinh viên đánh giá có thẳng thắn và chính xác không? Tôi nghĩ việc này phải từng bước”.

Theo đó, ông Hải cho rằng trước hết nên cho sinh viên đánh giá về chương trình, về việc giáo viên dạy đã đảm bảo chương trình chưa? Cách dạy của giáo viên có phù hợp không? Đánh giá về phương pháp giảng dạy của giảng viên là rất khó. Nếu đánh giá, sẽ có thể dẫn tới việc giáo viên không dám mạnh dạn áp dụng phương thức mới vì họ phải chọn giải pháp an toàn cho mình. Chưa kể, kỷ cương học đường có nguy cơ bị nới lỏng vì sinh viên không thích những giảng viên nghiêm khắc. Khi đó, chính sinh viên sẽ là người thiệt thòi.

Ý thức sinh viên cũng là mối quan ngại nhất của phó giáo sư Đinh Hường, Trưởng khoa Báo chí và Truyền thông, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Có sinh viên bị trượt lại đi nói xấu thầy cô. Vì thế, quan trọng là phải khách quan, trung thực, công bằng và công tâm”, ông Hường nhấn mạnh.

Và để có được sự công bằng và công tâm, theo thầy Hường, phải có lộ trình. Cụ thể, trước hết phải giáo dục nhận thức cho sinh viên và cả giảng viên về vấn đề này vì có sinh viên cho rằng đây là cơ hội để “trả đũa” thầy, còn giảng viên thì vì sợ sinh viên đánh giá nên không nghiêm khắc. Khi nhận thức tốt thì thực hiện mới có kết quả tốt.

Với một năm kinh nghiệm triển khai sinh viên đánh giá giảng viên, ông Đoàn Văn Vệ, Phó Phòng Đào tạo, Đại học Khoa học Tự nhiên khẳng định: “Các thầy cô không nên quá lo lắng vì kết quả đánh giá cho thấy, hầu hết sinh viên đánh giá đúng”.

Ông Vệ cho biết, năm 2008, với góp ý của sinh viên, trường đã có 10 giảng viên bị nhắc nhở. Những giảng viên này đã có tiến bộ hơn trong thời gian qua. Năm học này, trường cũng đang triển khai hoạt động này với 100.000 phiếu được phát cho sinh viên.

Ông Phan Huy Phú, Hiệu trưởng Đại học Thăng Long, trường đầu tiên ở Hà Nội thực hiện việc sinh viên đánh giá giảng viên, cũng nhận định đại đa số sinh viên phản ánh đúng. Và với những ý kiến của sinh viên, trường đã cho một số giảng viên chuyển công tác khác.

“Dĩ nhiên sẽ có trường hợp sinh viên đánh giá sai, nhưng đó chỉ là thiểu số. Sinh viên và giảng viên cũng nên quan niệm nhẹ nhàng hơn về vấn đề này. Đây chỉ là nhận xét của sinh viên về cách giảng dạy để hoạt động dạy và học được tốt hơn và cũng chỉ là một kênh tham khảo của ban giám hiệu”, ông Phú nói/.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần