Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh giá giáo viên qua kết quả học của học sinh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi các cuộc thi học sinh (HS) giỏi không còn “chạy đua” ở cấp tiểu học để giảm áp lực và bệnh thành tích, thì các cuộc thi giáo viên dạy giỏi (GVDG) vẫn đều đặn diễn ra. Nhiều người cho rằng, các cuộc thi này chỉ là hình thức, gây tốn kém…

Đánh giá giáo viên qua kết quả học của học sinh - Ảnh 1
Tuy nhiên, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội lại cho rằng, đó là nơi phát huy thế mạnh của GV nếu có những thay đổi hợp lý.

 Theo ông, có nên duy trì các cuộc thi GVDG khi nhiều người cho rằng thiếu thiết thực?

-Theo tôi, không nên bỏ mà nên phát huy thế mạnh của GV, để họ phát huy tài năng của cá nhân. Thứ nhất, những GV muốn khẳng định năng lực thì để cho họ được thể hiện, không phải bình bầu, không phải chọn. Không thể các trường thi với nhau rồi lại chọn lấy một người, như thế hết sức hình thức. Thứ hai, nội dung thi phải theo định hướng đổi mới của giáo dục và để GV tự phát huy được sáng kiến, tài năng của mình. Thứ ba, quan niệm thi GVDG bây giờ phải khác, không phải GV chỉ biểu diễn trên lớp, mà phải là người giúp được số đông HS thích học, biết cách học, có thói quen học và học có kết quả. Và thông qua kết quả học tập của HS để đánh giá tài năng của GV, chứ không phải chỉ tài năng biểu diễn trên lớp/tiết học.
Giờ học tiếng Việt trường Tiểu học Nam Trung Yên.            Ảnh: Viết Thành
Giờ học tiếng Việt trường Tiểu học Nam Trung Yên. Ảnh: Viết Thành
Tôi cho rằng, chúng ta phải thay đổi, biến cuộc thi thành nhẹ nhàng, hướng vào tự giác, khả năng của GV, không được khoán số lượng. Ngoài ra, tôi rất muốn các sở GD&ĐT hàng năm tổ chức giao lưu trao đổi kinh nghiệm của những GVDG và ở đây không chỉ giỏi về dạy mà giỏi cả về giáo dục.

Làm thế nào để lựa chọn được những GVDG đúng nghĩa, thưa ông?

- Hiện nay, việc thi GVDG theo kiểu “so bó đũa chọn cột cờ”, mỗi trường cử 1 - 2 GV đi thi, ở cụm cũng vậy, như thế không phát huy tính quần chúng, không phản ánh đúng thực chất. Chọn GVDG không phải chỉ ở một tiết dạy, mà GV phải báo cáo được kết quả của một thế hệ HS, ít nhất một năm học, hoặc một thế hệ (3 - 4 năm). Mong Bộ GD&ĐT sớm đưa ra những thay đổi, quy chế thi, làm sao gọn, nhẹ, đúng thực chất, đúng định hướng đổi mới và đánh giá đúng tài năng nhà giáo. Không làm hình thức, không phải xúm vào làm (phòng GD&ĐT chỉ đạo, tổ trưởng bộ môn chỉ đạo, cả tổ chuyên môn chỉ đạo…) rồi để một người đứng ra biểu diễn, khiến GV thiếu chủ động vì phải thực hiện theo nhiều kịch bản.

Theo ông, danh hiệu GVDG có nên có thời hạn?

- Được biết, hiện chưa có văn bản nào quy định GVDG là bao nhiêu năm. Đây cũng là vấn đề hay, theo tôi, nên chỉ để danh hiệu GVDG trong 5 năm, sau đó lại có những đánh giá lại. Như vậy, GV vừa được trau dồi kiến thức, vừa tự phấn đấu tiếp để khẳng định mình, chứ không chỉ công nhận một lần.

Khi được công nhận GVDG nhưng lại chỉ được nhận mức thưởng mang tính tượng trưng, liệu có làm giảm nhiệt huyết, động lực phấn đấu của GV?

- Các cuộc thi GVDG để tuyển chọn, công nhận và tôn vinh GV đạt danh hiệu các cấp là việc cần làm. Vấn đề là làm như thế nào để khuyến khích sự tham gia nhiệt tình của GV, để họ cảm nhận được sự đãi ngộ tương xứng với cống hiến. Và quan trọng nhất là phải có cơ chế linh hoạt và thông thoáng hơn về chế độ, ví dụ như nâng lương trước hạn, thưởng cao cho GV được công nhận là GVDG. Đây là nguồn động viên, động lực thúc đẩy GV có những sáng kiến nâng chất lượng dạy và học.

Xin cảm ơn ông!