Đánh giá kỹ hơn trong thực hiện chống lãng phí

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 22/4, tại Phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) năm 2019 của Chính phủ.

Giảm biên chế, tiết kiệm được 6.000 tỷ đồng
Trong báo cáo do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày nhấn mạnh, năm 2019, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiếp tục được triển khai, thực hiện mạnh mẽ hơn, có tác động cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tạo hiệu ứng tích cực trong toàn xã hội, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Ngành Thanh tra cả nước đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính, 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 173.411 tỷ đồng, 22.548ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 83.968 tỷ đồng, thu hồi 897ha đất. Đôn đốc xử lý trách nhiệm đối với 969 tập thể, 3.170 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 17 vụ, 61 đối tượng.
 Cán bộ làm việc tại UBND quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng 
Về việc thực hiện tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, số biên chế công chức được phê duyệt năm 2019 giảm 6,6% so với số được giao năm 2015. Như vậy, cả nước đã tinh giản biên chế 10.047 người. "Việc thực hiện tinh giản biên chế trong các lĩnh vực và đổi mới khu vực sự nghiệp công đã góp phần giảm chi ngân sách nhà nước năm 2019 khoảng 6.000 tỷ đồng so với năm 2018, tạo thêm nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội" – Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo.
Thẩm tra về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định, việc xử lý vi phạm trong THTKCLP cần những minh chứng cụ thể hơn. Đồng thời, làm rõ nguyên nhân hạn chế Chính phủ nêu ra, từ việc quản lý điều hành ngân sách (giải ngân vốn đầu tư công chậm, đạt thấp), sử dụng tài sản công (sắp xếp nhà, đất, trụ sở chưa bao quát đối tượng), tinh gọn bộ máy cho đến khai thác tài nguyên thiên nhiên, để chấn chỉnh.
Cụ thể như vốn giải ngân thực hiện một số công trình, dự án trọng điểm quốc gia (dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Cảng hàng không quốc tế Long Thành) vẫn còn nhiều vướng mắc. Một số dự án phải lùi tiến độ, tăng thêm vốn, tổng mức đầu tư gây tốn kém làm đảo lộn các kế hoạch, đề án phát triển, quy hoạch đô thị khác (Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội).
Phân tích kỹ những “số liệu biết nói”
Đồng tình nhiều điểm ấn tượng trong điều hành THTKCLP của Chính phủ năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đề nghị cần phân tích, so sánh kỹ hơn. Cụ thể như việc rà soát tiêu chuẩn định mức sử dụng ô tô, sắp xếp xe dôi dư, khoán xe công thực hiện ra sao, kết quả cụ thể số liệu thế nào.
Theo cử tri băn khoăn, định mức xe hơn 1,1 tỷ đồng nhưng thấy nhiều xe biển xanh giá thị trường 8 - 10 tỷ đồng, dù là xe chuyên dùng nhưng so với định mức sao giá trị cao thế, có tiết kiệm, chống lãng phí không. Vừa qua Bộ Tài chính gương mẫu khoán xe công nhưng Chính phủ cần đánh giá tổng kết để xem hiệu quả thế nào để định hướng nhân rộng hay dừng lại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, khâu sản xuất kinh doanh cần đánh giá kỹ hơn, cả khâu chủ trương cho đến tổ chức thực hiện. “Vụ xuất khẩu gạo vừa rồi lúng túng, vội vàng giờ gây lãng phí cho DN, ảnh hưởng đến người trồng lúa. Hay nhiều dự án đầu tư đang làm vướng thủ tục, dừng lại một ngày tốn bạc tỉ nhưng không được giải quyết” – Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ.
Đồng thời, đề nghị báo cáo nói rõ hơn về trách nhiệm bộ máy công vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN khi bao nhiêu dự án đình trệ, không làm được hoặc không cho làm gây lãng phí. Lưu ý về lãng phí nguồn lực xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đừng nói không dùng tiền ngân sách thì không lãng phí. Nguồn lực đó đáng ra có thể giúp dân xóa đói giảm nghèo, ứng phó biến đổi khí hậu nhưng lại huy động để tổ chức lễ hội hoành tráng, thành phong trào ở các tỉnh, thành. 

Cắt 100% kinh phí khởi công, khánh thành công trình

Năm 2020, Chính phủ khẳng định kiên trì thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa phát triển kinh tế. Chính phủ cũng xác định một số chỉ tiêu cụ thể như thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên dự toán ngân sách nhà nước. Phấn đấu tiết kiệm 12% kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác phí, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm…; 15% chi đoàn ra, đoàn vào so với dự toán; 10% tổng mức đầu tư các dự án. Cắt 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng, trừ các công trình quan trọng quốc gia…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần