Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh giá kỹ về thủ tục đưa người dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Sáng nay, 10/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự thảo Pháp lệnh trình tự, thủ tục TAND xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Một trong những nội dung mới của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 (được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 11) là quy định về cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Theo quy định tại khoản 4 Điều 33, thẩm quyền quyết định đưa đối tượng trên vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện xem xét, quyết định. Tuy nhiên, trình tự, thủ tục này chưa được quy định cụ thể nên theo thẩm quyền.

Quang cảnh phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn

Tại phiên họp, trình bày báo cáo, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du cho biết vẫn còn quan điểm khác nhau về quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại.

Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc quy định điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại trong Nghị định số 116/2021/NĐ-CP là vượt quá thẩm quyền, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 của Hiến pháp, đây là những vấn đề liên quan đến hạn chế quyền con người và cần phải được quy định bởi luật. Đồng thời, Nghị định số 116 quy định điều kiện áp dụng cho cả đối tượng là người trên 18 tuổi, chưa phù hợp với đối tượng là người dưới 18 tuổi.

Do vậy, Pháp lệnh cần quy định về điều kiện hoãn, miễn chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tạm đình chỉ, miễn chấp hành phần thời gian đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn lại bảo đảm việc áp dụng pháp luật kịp thời, thống nhất trong thực tiễn.

Theo quan điểm thứ hai, nội dung trên đã được quy định tại Điều 57 và Điều 58 Nghị định số 116 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Dự thảo Pháp lệnh không cần quy định lại vấn đề này, chỉ cần dẫn chiếu đến Nghị định số 116/2021/NĐ-CP.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Về quan điểm của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp và ý kiến của các cơ quan tham gia thẩm tra tán thành loại ý kiến thứ nhất của TANDTC, bởi nếu không quy định trong dự thảo Pháp lệnh thì thiếu căn cứ pháp lý để áp dụng, thi hành. Việc quy định trong dự thảo Pháp lệnh là phù hợp với thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, dự thảo Pháp lệnh này cần quy định các trường hợp được hoãn, miễn, tạm đình chỉ việc chấp hành để bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của đối tượng áp dụng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với loại ý kiến cho rằng Pháp lệnh phải quy định, bởi hiệu lực của Nghị định không bằng Pháp lệnh. Hơn nữa, Nghị định 116 của Chính phủ dù mới ban hành nhưng chưa đầy đủ, chưa bao quát. Ví dụ như trường hợp người chưa đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi trong thời gian hoãn mà bị toà phạt tù không cho hưởng án treo...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đồng quan điểm về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh, song cho rằng đánh giá tác động còn thiếu, vì mới nhìn thấy điều tích cực mà chưa thấy tác động tiêu cực khi đối tượng đưa đi cai nghiện bắt buộc là trẻ em, thiếu niên. Do đó cần nghiên cứu đánh giá tác động đầy đủ để có biện pháp, nhất là sự huy động chuyên gia giáo dục, y tế, tâm lý học rồi nhà trường, tổ chức chính trị xã hội đối với công tác này.

Nhiều ý kiến cũng băn khoăn về điều kiện đảm bảo các quyền của trẻ em như học hành, vui chơi giải trí, tín ngưỡng... tại các trung tâm vì một trong những quan điểm chỉ đạo khi xây dựng dự thảo là bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi. Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Dự thảo được xem xét thông qua bằng hình thức thủ tục rút gọn, tuy nhiên cần lắng nghe ý kiến các bên để đánh giá tác động của chính sách kỹ hơn, từ khối lượng công việc của toà cấp huyện, vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách, đầu tư.... Do đó khi biểu quyết thông qua phải báo cáo tiếp thu giải trình rất rõ. Theo Chủ tịch Quốc hội, quy trình, thủ tục là hình thức nhưng thực tế hình thức và nội dung luôn có mối quan hệ mật thiết nên phải quan tâm.