Hà Nội:

Đánh giá tác động của các chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các chuyên gia, nhà khoa học khẳng định xây dựng bộ máy chính quyền tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao là hai yếu tố quan trọng nhất để phát triển Thủ đô Hà Nội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì tọa đàm khoa học.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn chủ trì tọa đàm khoa học.

Chiều nay, 12/4, UBND TP Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học chính sách “Tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, liên thông, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và “Thu hút, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển Thủ đô”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì tọa đàm.

Hai yếu tố quan trọng để phát triển Thủ đô

Phát biểu đề dẫn tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, trong các nhiệm vụ chính trị quan trọng của nhiệm kỳ 2021 – 2026, TP đã báo cáo Bộ Chính trị về việc tổng kết Nghị quyết số 11-NQ/TƯ ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020, xây dựng và đề xuất Bộ Chính trị (khóa XIII) ban hành Nghị quyết (mới) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng thời nghiên cứu, đề xuất chính sách, lập hồ sơ xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Trên cơ sở đó, TP xây dựng báo cáo đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), dự kiến trình Bộ Tư pháp vào cuối tháng 4/2022. Kèm theo hồ sơ sửa đổi Luật là đánh giá tác động, những chính sách mới, đột phá, làm cơ sở cho Chính phủ, các bộ ngành xem xét, Quốc hội thảo luận và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhấn mạnh, hai chính sách được đưa ra tại tọa đàm có tính chất quan trọng đối với Luật Thủ đô (sửa đổi). TP cần có tổ chức bộ máy chính quyền đủ năng lực để thực hiện Nghị quyết (mới) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Luật Thủ đô (sửa đổi) đề ra. Từ yêu cầu tổ chức bộ máy chính quyền, cần có đội ngũ cán bộ chất lượng cao nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô.

Phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền cấp thành phố

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá những nội dung Luật Thủ đô (sửa đổi) được TP xây dựng là cần thiết và phù hợp với thực tiễn. Các chuyên gia cũng làm rõ nội dung, giải pháp chính sách cần đánh giá tác động đưa vào hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Đồng thời, phân tích, dự báo tác động của từng chính sách đối với các đối tượng: Người dân, doanh nghiệp, tổ chức, Nhà nước…chịu tác động của chính sách; tác động về kinh tế, xã hội, giới, thủ tục hành chính và đối với hệ thống pháp luật.

Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự tọa đàm. 
Các chuyên gia, nhà khoa học tham dự tọa đàm. 

Đề xuất chính sách tổ chức chính quyền Thủ đô, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng chỉ nên tổ chức chính quyền đầy đủ (HĐND-UBND) ở cấp TP; đồng thời phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho chính quyền cấp TP. Đối với cấp quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính (UBND) để bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngoài ra, một số chuyên gia gợi mở, trong tương lai, nếu TP Hà Nội có mô hình “thành phố trong thành phố”, cần mạnh dạn phân cấp phân quyền cho chính quyền vận hành theo mô hình này.

Có chính sách đột phá để đãi ngộ nhân tài

Xác định nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng để phát triển Thủ đô, các nhà khoa học nhấn mạnh, bộ máy dù đã tinh gọn nhưng có hiệu lực, hiệu quả hay không lại phụ thuộc chính vào đội ngũ cán bộ vận hành bộ máy. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần giao quyền tự chủ cho các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, kể cả công chức lãnh đạo quản lý một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, để thu hút nhân lực thật sự chất lượng cao, các đại biểu đề xuất một số cơ chế, chính sách đãi ngộ nhân tài không chỉ trong nước mà trên khắp thế giới về làm việc không chỉ cho các cơ quan nhà nước, mà còn cho các doanh nghiệp tư nhân tại TP Hà Nội.

Trân trọng cảm ơn các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết UBND TP sẽ tiếp thu đầy đủ các quan điểm, gợi ý cách làm của các chuyên gia, nhà khoa học. Trên cơ sở đó, UBND TP sẽ xây dựng thành các luận cứ trong báo cáo đánh giá tác động của các chính sách trên. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tiếp tục đồng hành cùng TP trong thời gian tới để góp xây dựng Luật Thủ đô hoàn chỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Thủ đô Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần