Đánh giá tác động văn hóa, lịch sử... khi sắp xếp đơn vị hành chính

D.Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết, cụ thể báo cáo Chính phủ, trong đó, thành phố sẽ cân nhắc rất kỹ, đánh giá cụ thể cả những hệ quả, tác động về văn hóa, lịch sử, con người khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Sáng 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030. Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ đến 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030

Đại biểu thành phố Hà Nội dự tại điểm cầu Thành ủy Hà Nội có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc sắp xếp đơn vị hành chính là việc khó, nhạy cảm, phức tạp, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành; tác động đến người dân, doanh nghiệp và các chủ thể khác. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là yêu cầu cần thiết nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là chủ trương lớn của Đảng. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII định hướng nhiệm vụ xây dựng chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm địa bàn; kiện toàn tổ chức, tinh giảm hợp lý đầu mối, bỏ cấp trung gian, thúc đẩy xây dựng chính quyền điện tử.

Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15 và Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 và gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết 117/NQ-CP về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025.

Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã nhằm tiếp tục quán triệt, triển khai chỉ đạo của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2030.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có quy mô nhỏ, không bảo đảm tiêu chuẩn quy định, sẽ khắc phục tình trạng phân tán nguồn lực, không khai thác được hết tiềm năng, chia cắt không gian phát triển; gây khó khăn trong lập kế hoạch, quy hoạch dài hạn, định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng; đồng thời góp phần xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tham luận tại hội nghị.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tham luận tại hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe giới thiệu nội dung Nghị quyết số 37-NQ/TW, Kết luận số 48-KL/TW, Nghị quyết số 595/NQ-UBTVQH15, Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15, Nghị quyết 117/NQ-CP về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Bên cạnh đó, Hội nghị cũng được nghe các hướng dẫn các bước sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã; việc rà soát, thực hiện điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch; việc điều chỉnh địa giới hành chính; việc quản lý tài chính, biên chế…

Thảo luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 17 huyện, 12 quận, 1 thị xã; 579 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 383 xã, 175 phường và 21 thị trấn.

Giai đoạn 2019-2021, thành phố đã sắp xếp 12 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 6 xã và 6 phường.

Sau khi sắp xếp, TP đã bố trí lại số lượng cán bộ, công chức dôi dư đảm bảo đúng theo quy định. Về chế độ chính sách đối với số cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư được thực hiện kịp thời và có chính sách hỗ trợ thêm. Từ đó đã tạo được đồng thuận cao. Các đơn vị hành chính được sắp xếp sớm hoạt động ổn định, nhân sự được đảm bảo, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ quản lý nhà nước tại địa phương.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng nêu kinh nghiệm của Thủ đô: quá trình sắp xếp phải chủ động xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ; giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; quan tâm chế độ, chính sách đặc thù trong trong quá trình thực hiện sắp xếp…

TP Hà Nội sẽ tuyên truyền sâu rộng đến đội ngũ cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023-2030, trước mắt là giai đoạn 2023-2025.

TP Hà Nội sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, xây dựng phương án tổng thể và đề án sắp xếp đáp ứng yêu cầu; đồng thời phải phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn tại địa phương; nhất là yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa…

"Quan trọng nhất là sự tác động lớn nhất đến với người dân, còn mọi khó khăn khác thuộc về cơ quan hành chính, bộ máy, lĩnh vực hành chính đều có thể vượt qua", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

Trên cơ sở quán triệt nghiêm túc chủ trương, các nghị quyết của Trung ương, Hà Nội sẽ xây dựng kế hoạch, lập đề án chi tiết, cụ thể báo cáo Chính phủ, trong đó, thành phố sẽ cân nhắc rất kỹ, đánh giá cụ thể cả những hệ quả, tác động về văn hóa, lịch sử, con người... khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.