Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc với huyện Đông Anh ngày 6/3/2017. Ảnh: Thanh Hải |
Thực trạng này cho thấy công tác đánh giá còn hình thức, nể nang, không phản ánh đúng tình hình, đòi hỏi phải sớm thay đổi để nâng cao hiệu quả lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng.
Không “cào bằng”
Tại Hà Nội, yêu cầu đổi mới công tác đánh giá theo hướng thực chất cũng đang được các cấp ủy, chính quyền thực hiện một cách bài bản. Không ít mô hình đã đem lại hiệu quả cao trong thực tế, khắc phục được tình trạng hình thức khi đánh giá. Huyện Phú Xuyên là một trong những địa phương đi đầu áp dụng việc chấm điểm chéo giữa các phòng, ban với các xã, thị trấn để đảm bảo sự công bằng, khách quan. Hay tại huyện Đông Anh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lê Trung Kiên cho biết, huyện đã xây dựng 14 cột đánh giá cụ thể với từng thang điểm cho các đơn vị, ngoài ra còn thêm thuốc “bổ trợ” các xã đánh giá ngược lên lên các phòng, ban để tránh tình trạng xuôi chiều. Ban Thường vụ đưa ra thêm “điểm liệt” cho những việc đích thân lãnh đạo huyện trực tiếp chỉ đạo nhưng cơ sở không chuyển biến hoặc làm theo kiểu đối phó. Ông Kiên cho biết, thời gian đầu áp dụng “mô hình” này, vẫn còn tình trạng đánh giá nể nang và có đến 50% phải yêu cầu làm lại, thậm chí có nơi bày tỏ thái độ khó chịu. Tuy nhiên, bằng thái độ quyết liệt và kiên trì, tình hình đã chuyển biến, công việc hiệu quả, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức được nâng lên. Nhờ đó, diện mạo huyện Đông Anh ngày càng khởi sắc và trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới thứ hai của TP.
Rõ ràng, nếu việc thực hiện tốt công tác đánh giá, cấp ủy, chính quyền sẽ “hưởng lợi” rất nhiều: công việc “chạy”, hiệu quả nâng lên. “Nói kỷ cương, kỷ luật mà thiếu chế tài xử lý sẽ rất khó. Thực tế cho thấy, tìm sự tự giác không dễ, phải “cột” bằng quy chế, quy định rõ ràng, tránh tình trạng cào bằng giữa người làm tốt với người làm đủng đỉnh” - Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo nêu.
Rõ thang điểm
Để có cơ sở thực hiện, Ban Tổ chức Thành ủy đã xây dựng dự thảo “Quy định tạm thời đánh giá, phân loại chất lượng Đảng bộ cấp trên cơ sở thuộc Thành ủy Hà Nội” và đang lấy ý kiến các cấp ủy, các cơ quan liên quan để hoàn thiện. Quy định này khi được triển khai sẽ đảm bảo công tác đánh giá, phân loại đối với các Đảng bộ đúng thực chất; nội dung đánh giá phải đảm bảo tính toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như kết quả thực hiện các phong trào thi đua, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, môi trường xã hội văn hóa, lành mạnh ở địa phương, đơn vị. Quy trình, phương pháp đánh giá cũng sẽ được thực hiện khoa học, chặt chẽ, với những tiêu chí mang tính định lượng, phù hợp với các loại hình tổ chức Đảng cấp trên cơ sở thực thuộc Thành ủy.
Theo dự thảo, Quy định sẽ đưa ra thang điểm với những căn cứ cụ thể để “áp” vào tính điểm, trong đó có cả điểm thưởng và điểm trừ. Từ đó, việc đánh giá, phân loại chất lượng Đảng bộ cấp trên cơ sở theo 4 loại: Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ và yếu kém. Trong đó, Đảng bộ yếu kém là những Đảng bộ không hoàn thành nhiều nhiệm vụ được giao; mất đoàn kết nội bộ, để xảy ra những “điểm nóng”, phức tạp, khiếu kiện đông người kéo dài; có cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý vi phạm bị xử lý kỷ luật; có tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc yếu kém…
Để dự thảo sớm được hoàn thiện, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã yêu cầu tất cả các đồng chí Bí thư quận, huyện, thị ủy phải cho ý kiến bằng văn bản. Trên cơ sở ý kiến thảo luận của các thành viên Ban Chỉ đạo và ý kiến góp ý của các Bí thư quận, huyện, thị ủy, Ban Tổ chức Thành ủy hoàn thiện nội dung. Tinh thần xây dựng Quy định này là bảo đảm tính đúng đắn, hợp lý, tạo không khí thi đua, kích thích tinh thần phấn đấu, tạo động lực cho các tổ chức Đảng, đảng viên thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.