Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Danh hiệu di sản thế giới có cứu nghề tranh Đông Hồ?

Thanh Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 400 năm ra đời, nghề làm tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) lay lắt tồn tại. Từ 17 dòng họ làm nghề nay chỉ còn 2 gia đình cố gắng bám trụ giữ nghề. Ý tưởng khoác danh hiệu cho nghề tranh Đông Hồ như một hành động cứu di sản, nhưng câu chuyện hậu vinh danh thực tế không đơn giản.

 “Đám cưới chuột” - bức tranh nổi tiếng của dòng tranh Đông Hồ.
Đề nghị xem xét trong năm 2019
Bộ VHTT&DL vừa có văn bản đồng ý đề xuất của tỉnh Bắc Ninh về việc xây dựng hồ sơ nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO. Theo đó, Việt Nam sẽ đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Thực tế, ý tưởng này đã được lên kế hoạch cách đây mấy năm với hy vọng nếu trở thành di sản thế giới, với những điều kiện ngặt nghèo trong việc bảo tồn và phát huy giá trị, Việt Nam sẽ tạo ra cú hích để “sốc” lại một ngành nghề đang bị mai một.

Hiện nay, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt đề cương chi tiết xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia đề nghị UNESCO đưa nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thời gian xây dựng hồ sơ kéo dài 3 năm, chia thành hai giai đoạn. Trong quá trình xây dựng hồ sơ, đơn vị tư vấn cùng UBND tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức hội thảo khoa học quốc tế để đánh giá lại giá trị di sản, nhìn nhận thực trạng làng nghề. Đây cũng được xem là động thái hỗ trợ truyền thông, quảng bá cho làng nghề tranh Đông Hồ không chỉ ở trong nước và ra thế giới. Theo hạn định, tháng 12/2019 hồ sơ của làng nghề tranh Đông Hồ sẽ được UNESCO xem xét trong phiên họp thường kỳ của tổ chức này.

Bài toán hậu vinh danh

Tranh dân gian Đông Hồ nổi tiếng với các bức “Đám cưới chuột”, “Đánh ghen”… Theo nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, tranh Đông Hồ còn được các tác giả lồng ghép phản ánh những bối cảnh, giai đoạn lịch sử nhất định, nên về sau có cả những bức tranh cổ động phong trào “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “Bảo vệ hòa bình”... Dựa vào nội dung - chủ đề, tranh Đông Hồ bao gồm bảy loại chính: Tranh thờ, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh truyện, tranh phương ngôn, tranh cảnh vật và tranh phản ánh sinh hoạt.
Trải qua 400 năm tồn tại, hiện nay làng tranh Đông Hồ đang đứng trước nguy cơ mai một. Làng tranh Đông Hồ giờ nếu gọi đúng sẽ là làng nghề làm vàng mã. Từ 17 dòng họ làm nghề đến nay, chỉ còn hai hộ gia đình nối nghiệp cha ông, đó chính là nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế và Nguyễn Hữu Sam (đã mất vào năm 2017, giờ chỉ còn con cháu giữ nghề).

Chính vì vậy, việc làm hồ sơ đề nghị làng nghề tranh Đông Hồ vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cẩp là hành động muốn bảo vệ loại hình thủ công mỹ nghệ truyền thống. Tuy nhiên, không phải di sản cứ có danh hiệu là được bảo vệ. Bằng chứng là di sản ca trù của Việt Nam hơn 10 năm đạt danh hiệu vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng khẩn cấp.
Năm 2012 UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Đông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030” với tổng kinh phí gần 60 tỉ đồng; nhưng đến nay hoạt động của làng nghề vẫn chẳng tươi sáng hơn. Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh từng tổ chức các hoạt động khơi gợi giá trị di sản như: Các phiên chợ tranh vào cuối tháng Chạp, giới thiệu, triển lãm tranh tại khu vực phố cổ Hà Nội… nhưng chẳng thu hút được người tham dự. Vấn đề là sự thay đổi nhu cầu thưởng thức, phần lớn người dân trong nước không còn ưa chuộng dòng tranh này. Vậy việc trở thành di sản thế giới, tìm kiếm nhu cầu của du khách nước ngoài có vực lại được làng nghề lại là một bài toán mà lời giải là may – rủi.