Danh hiệu nghệ sĩ ngày càng… “trượt giá”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào mỗi dịp xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT), những tranh cãi xung quanh câu chuyện phong tặng luôn “dậy sóng” dư luận.

Nghệ sĩ Trung Hiếu trong một vai diễn ở phim truyện ''Mưa bóng mây''
Nghệ sĩ Trung Hiếu trong một vai diễn ở phim truyện ''Mưa bóng mây''
Bởi xung quanh danh sách 114 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 416 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT của 46 Hội đồng cấp Nhà nước trình Chủ tịch nước phong tặng năm nay, có quá nhiều câu chuyện hậu trường về việc “chạy danh hiệu”.

Nhiều “quan”, ít “quân”

Trong các hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND lần này có khá nhiều nghệ sĩ là lãnh đạo của Bộ VHTT&DL như ông Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Ngô Hoàng Quân - Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VHTT&DL; ông Trần Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội… Những nghệ sĩ trẻ được phong NSND lần này cũng là những vị đảm nhiệm chức vụ Phó giám đốc của các nhà hát như: Tự Long - Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, Trung Hiếu - Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội. Trong khi đó, những gương mặt nổi trội của sân khấu Việt Nam như các nghệ sĩ Chí Trung, Xuân Hinh, Minh Hằng, Thanh Ngoan… lại không có trong danh sách. Chính vì vậy, đến hẹn lại lên, kỳ xét tặng danh hiệu NSƯT, NSND nào cũng trở thành chủ đề “nóng”. Việc “xin”, “tặng” tiếp tục được xới lên.

Bộ VHTT&DL khẳng định, Hội đồng xét tặng chuyên ngành cấp Nhà nước trong đợt xét tặng danh hiệu nghệ sĩ năm 2015 đều là những người uy tín. Hội đồng bao gồm 15 thành viên do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL làm Trưởng ban, 2 Phó ban là ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Bộ VHTT&DL và ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn. Ngoài ra, 12 ủy viên còn lại đều là những người uy tín như NSND Tiến Thọ, NSND Hoàng Dũng, NSND Tâm Chính, NSND Trần Ngọc Giàu… Thế nhưng, quá trình xét tặng 100% công tâm, có bỏ sót tài năng hay không thì không ai dám khẳng định.

Mập mờ tiêu chí đạo đức

Có thông tin “ì xèo”, để có tên trong danh sách đoạt danh hiệu NSND, một diễn viên của nhà hát kịch phải bỏ cả trăm triệu đồng để “chạy”. Hơn nữa, đây cũng là cuộc “trả nợ” cho lần “chạy chức” không thành của nghệ sĩ này. Còn có vị đạo diễn có tên trong danh sách đề nghị phong tặng danh hiệu NSND năm 2015, ngay sau khi bị báo chí nhắc tên, đặt nghi vấn đã gửi nhắn tin thóa mạ, đe dọa kiểu “xã hội đen” tác giả bài viết.

Phẩm chất đạo đức là tiêu chí dễ mập mờ nhất trong mỗi kỳ xét tặng. Theo thông tin từ một thành viên Hội đồng cấp Nhà nước, có một vài nghệ sĩ dù đủ số huy chương quy định nhưng vẫn “trượt” vì bị thành viên Hội đồng đánh giá thấp tư cách đạo đức. Theo quy định, những nghệ sĩ đạt tiêu chuẩn để được phong danh hiệu, hồ sơ phải đạt 90% số phiếu đồng ý trở lên của thành viên Hội đồng chuyên ngành Nhà nước, nên vừa qua một nghệ sĩ múa phải ngậm ngùi “trượt” danh hiệu NSND, cho dù có đủ số huy chương vàng quy định, bởi vì trót làm mất lòng một vị thành viên Hội đồng, cũng là sếp của mình.

Dẫu biết đó cũng chỉ là những thông tin hậu trường của quá trình xét tặng. Những đánh giá về nghệ thuật luôn mang tính tương đối, có nhiều dấu ấn cảm xúc cá nhân. Tuy nhiên, danh hiệu là món quà tinh thần lớn để các nghệ sĩ nhìn vào đó để phấn đấu và cống hiến. Với tình trạng như hiện nay, danh hiệu ngày càng bị xem nhẹ, nghệ sĩ thật sự có tài bắt đầu thờ ơ với danh hiệu. Rõ ràng, danh hiệu ngày càng “trượt giá”.