Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Danh mục một số mặt hàng phía Mỹ đề nghị Việt Nam giảm thuế nhập khẩu

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Bộ Tài chính, Đại sứ quán Mỹ đề nghị giảm mạnh thuế nhập khẩu một số mặt hàng ngay trong năm 2020, một số mặt hàng khác đề nghị tiếp tục giảm trong những năm tiếp theo.

Ảnh minh họa
Bộ Tài chính vừa có công văn 14813/BTC-CST gửi xin ý kiến các bộ, ngành về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 125/2017/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 về Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, một số mặt hàng nông sản như: Gà, Hạnh nhân, Táo tươi, Nho tươi, Nho khô, Lúa mỳ, Óc chó chưa bóc vỏ, Khoai tây, thịt lợn, sữa... dự kiến sẽ được giảm thuế nhập khẩu. Cụ thể:
Mặt hàng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gà thuộc phân nhóm 0207.14: Theo Bộ Tài chính, Đại sứ quán Mỹ đã kiến nghị giảm từ 20% xuống 14,5% trong năm 2020 và 0% vào năm 2028. Bộ Tài chính dự kiến giảm mức thuế nhập khẩu các mặt hàng thịt gà đã chặt mảnh và phụ phẩm sau giết mổ, đông lạnh thuộc phân nhóm 2207.14 từ 20% xuống 18% (Mỹ đề nghị 14,5%). Mức thuế suất 18% tương ứng với mức cắt giảm năm thứ 1 trong Hiệp định CPTPP.
Quả hạnh nhân, chưa bóc vỏ, mã hàng 0802.11.00: Đại sứ quán Mỹ đề nghị giảm thuế suất MFN từ 15% xuống 0% vào năm 2020. Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm mức thuế suất mặt hàng quả hạnh nhân, chưa bóc vỏ, mã hàng 0802.11.00 từ 15% xuống 10%, bằng với mức thuế suất quả hạnh nhân, đã bóc vỏ.
Mặt hàng táo tươi, nho tươi: Đại sứ quán Mỹ đề nghị giảm thuế MFN từ 10% xuống 0% vào năm 2020. Với mặt hàng này, Bộ Tài chính dự kiến trước mắt giảm thuế đối với mặt hàng táo tươi (mã HS 0808.10.00), nho tươi (mã HS 0806.10.00) từ 10% xuống 8%.
Mặt hàng lúa mỳ thuộc phân nhóm 1001.99: Đại sứ quán Mỹ kiến nghị giảm thuế suất thuế MFN mặt hàng lúa mỳ từ 5% xuống 0%. Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh mức thuế suất mặt hàng quả óc chó từ 10% xuống 8%, cao hơn mức thuế suất dành cho Chi lê (VCFTA) năm 2019 (do mặt hàng này chủ yếu nhập khẩu từ Chi lê).
Mặt hàng khoai tây: Đại sứ quán Mỹ đề nghị giảm thuế nhập khẩu mặt hàng khoai tây đã chế biến hoặc bảo quản bằng cách khác, trừ bảo quản bằng giấm hoặc axit acetic, đã đông lạnh thuộc mã hàng 2004.10.00 xuống 6% năm 2020 và 0% năm 2021. Bộ Tài chính dự kiến giảm thuế suất MFN mặt hàng khoai tây từ 13% xuống 12%, bằng cam kết EVFTA năm 1.
Mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh: Uỷ ban Nông nghiệp Hoa Kỳ đề nghị giảm thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027.
Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng (0203.19.00) từ 25% xuống 22%. Mức thuế suất này tiệm cận với mức thuế suất cắt giảm năm 2019 theo Hiệp định CPTPP là 21.6%, do Biểu thuế MFN không có mức thuế suất 21% nên quy định mức thuế suất 22%.
Mặt hàng sữa và các chế phẩm từ sữa: Liên quan đến nhóm các mặt hàng sữa và chế phẩm từ sữa, Hiệp hội xuất khẩu Sữa Hoa Kỳ có kiến nghị giảm thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) đối với nguyên liệu để sản xuất sữa công thức hoặc chế phẩm sữa khác bao gồm: bột sữa gầy (HS 0402.10.41; 0402.10.49; 0402.10.91; 0402.10.99) từ 5% xuống 2%, bột sữa nguyên kem (mã HS 0402.21.20, 0402.21.90, 0402.29.20, 0402.29.90; 0402.91.00, 0402.99.00) từ 5% xuống 2%; Pho mát và sữa đông (HS 0406.10.10; 0406.10.20; 0406.20.10; 0406.20.90, 0406.30.00, 0406.40.00, 0406.90.00) từ 10% xuống 5%; Albumin sữa (HS 3502.20.00) từ 10% xuống 5%; Peptons (Mã HS 3504.00.00) từ 5% xuống 3%.
Qua cân nhắc, Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh như sau: Qua rà soát số liệu KNNK cho thấy các mặt hàng sữa và sản phẩm sữa Hiệp hội đề nghị điều chỉnh thuế suất được nhập khẩu từ các thị trường đã có ký kết FTA với Việt Nam như NewZealand, Singapore, Úc và đã được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết (ATIGA, AANZFTA), cũng như sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi từ Hiệp định CPTPP. Chỉ có một số nhóm mặt hàng sữa và kem, đã cô đặc hoặc đã pha thêm đường hoặc chất tạo ngọt khác (nhóm 0402), Albumin sữa (mã HS 3502.20.00), pepton (mã HS 3504.00.00) và sản phẩm dinh dưỡng y tế khác (mã hàng 2106.90.96) có phát sinh KNNK từ Mỹ chiếm tỷ trọng tương đối cao.
Do mặt hàng sữa và các sản phẩm sữa thuộc nhóm hàng cắt giảm thuế quan theo cam kết nên hiện đang áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thấp (cơ bản là 0%) nên việc giảm thuế suất MFN đối với các nhóm mặt hàng này cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến tác động giảm thu NSNN do khi giảm thuế MFN có thể dẫn đến chuyển dịch dòng thương mại và một phần sản phẩm hiện đang nhập khẩu từ các nước đã ký kết Hiệp định FTA với thuế suất 0% sẽ chuyển sang nhập khẩu từ thị trường có thuế suất MFN như Mỹ (do sản phẩm từ Mỹ cạnh tranh về giá cả và chất lượng và vì thế sẽ góp phần tăng thu ngân sách từ việc thu thuế theo mức MFN)...