Danh thơm Đốc Tín

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây 80 năm (tháng 3/1939), Chi bộ Đốc Tín - Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Mỹ Đức được thành lập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân Mỹ Đức.

Phát huy truyền thống vẻ vang, Đốc Tín đang từng ngày thay da đổi thịt, trở thành điểm sáng xây dựng nông thôn mới (NTM).
Nơi khởi nguồn phong trào cách mạng
Ngay từ những năm 1936 - 1937, trên địa bàn huyện Mỹ Đức đã có nhiều thanh niên yêu nước tích cực tham gia các phong trào cách mạng, tiêu biểu như: Đồng chí Nguyễn Phúc Hồ (ở Đốc Tín), đồng chí Vũ Văn Sạ (ở Phúc Lâm)... Thời điểm đó, Đốc Tín là một làng nghề dệt, nhiều thợ trẻ trong làng được thừa hưởng truyền thống yêu nước của cha anh đi trước, sớm tiếp thu được tư tưởng tiến bộ, lực lượng chủ yếu tạo nên sự chuyển hóa về phong trào cách mạng ở vùng Nam Mỹ Đức.
 Trường THCS Đốc Tín, huyện Mỹ Đức đã đạt chuẩn Quốc gia. Ảnh: Ánh Ngọc
Đầu năm 1939, Tỉnh ủy Hà Đông cử đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Hiệt về Đốc Tín tổ chức kết nạp 3 quần chúng tích cực vào Đảng gồm: Đặng Đình Tụ, Đặng Đình Khánh, Đặng Đình Đền và thành lập Chi bộ Đảng ở Đốc Tín. Đồng chí Đặng Đình Tụ được cử làm Bí thư. Chi bộ Đốc Tín ra đời đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân huyện Mỹ Đức.
Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương cho biết, từ sau khi chi bộ đầu tiên được thành lập, phong trào cách mạng của Nhân dân huyện Mỹ Đức đã có bước phát triển mới mạnh mẽ. Từ Đốc Tín, nhiều cơ sở cách mạng được hình thành, như Phù Lưu Tế, Trinh Tiết, Ngọ Xá, Văn Giang, Tế Tiêu…

Đốc Tín cũng là xã tiêu biểu của huyện Mỹ Đức về công tác xây dựng Đảng với 237 đảng viên, sinh hoạt ở 7 chi bộ. Nhiều năm liền, Đảng bộ Đốc Tín đạt danh hiệu Tổ chức cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh; chất lượng sinh hoạt của Đảng bộ, chi bộ luôn được đổi mới, nâng cao, phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ của đảng viên.

“80 năm qua, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ huyện chú trọng, từ chỗ chỉ có 3 đảng viên, đến nay đã có hơn 8.600 đảng viên sinh hoạt ở 52 chi, đảng bộ trực thuộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, Mỹ Đức từ một huyện nghèo đã từng bước phát triển và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực” – bà Hương khẳng định.
Khởi sắc nhờ nông thôn mới
Tự hào là nơi ra đời chi bộ Đảng đầu tiên của Mỹ Đức, Nhân dân và cán bộ xã Đốc Tín đã không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương trở thành xã đạt chuẩn NTM tốp đầu của huyện (năm 2015). Bí thư Đảng ủy xã Đốc Tín Nguyễn Tiến Khánh cho biết, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giá trị sản xuất nông nghiệp đã tăng lên rõ rệt, bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, xã đã chuyển đổi gần 40ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình có giá trị kinh tế cao như trồng nấm, trồng nhãn, nuôi ong lấy mật, trang trại tổng hợp…
Đặc biệt, xã chú trọng phát huy lợi thế từ cây nhãn để phát triển những vườn nhãn chuyên canh, chất lượng cao. Với sự giúp đỡ của Sở NN&PTNT Hà Nội, xã tiến hành đưa những giống nhãn mới vào sản xuất, thực hiện ghép mắt giống nhãn sớm cho hơn 500 cây để quả chín rải vụ. Cũng từ thế mạnh của cây nhãn, nhiều hộ đã kết hợp nuôi ong lấy mật cho nguồn thu nhập khá. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 39 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,1%.
Xác định mục tiêu cao nhất của chương trình NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, Đốc Tín ưu tiên nguồn lực đầu tư cho xây dựng các công trình phúc lợi. Đến nay, trạm y tế và 2/3 trường học của xã đã đạt chuẩn quốc gia, cả 3 thôn đều có nhà văn hóa khang trang, đảm bảo cơ sở vật chất.
Trưởng thôn Đốc Tín Nguyễn Văn Bảo chia sẻ: “Thành công trong xây dựng NTM của Đốc Tín không thể không nhắc tới kết quả huy động sức dân. Chỉ tính riêng giai đoạn 2011 - 2018, người dân đã tự nguyện đóng góp hơn 10 tỷ đồng vào công trình nhà văn hóa, đình, chùa, đường giao thông”.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần