Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thức di sản trong lòng phố

Nhật Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những di sản trong lòng phố cất giấu trong nó dáng hình của Hà Nội nghìn năm đang dần được đánh thức trong hành trình đi tới Thành phố Sáng tạo đầy nhiệt huyết và tràn trề sức sống ở Thủ đô.

Ở đó, những người Hà thành trẻ đang làm chủ “cuộc chơi” bằng sự năng động và sức sáng tạo không biên giới.

1. Cuộc đàm đạo của những người già hay hoài cổ một thời Hà Nội chúng tôi trong tiết heo may hanh hao cứ nhắc đến những người Hà thành trẻ khi các di sản trong lòng phố bừng tỉnh giấc, hòa nhịp vào đời sống đô thị rộn ràng.

Ông bạn già “gốc gác” dân ngõ Tạm Thương đầy hứng khởi: “Nghe nói năm nay, Lễ hội Thiết kế sáng tạo sẽ trải dài thành một tuyến với điểm trung tâm là Quảng trường Cách mạng tháng Tám tỏa ra 2 trục Bắc Nam (phố Lý Thái Tổ - phố Lê Thánh Tông) và Đông Tây (dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền). Các di sản kiến trúc “để đời” như Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bắc Bộ phủ, Nhà hát Lớn, Đại học Tổng hợp… sẽ được nghệ sĩ trẻ đánh thức, hòa nhịp thành một Giao lộ sáng tạo”.

Đúng là từ độ Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO, người trẻ Hà thành có thêm bao cơ hội để hiện thực hóa khát vọng sáng tạo của mình. Khát vọng ấy đủ tầm nhìn và sự trẻ trung để hội nhập với xu hướng sáng tạo trên thế giới, đủ cá tính và khác biệt để thể hiện bản sắc độc đáo riêng có của đất nghìn năm văn hiến Thăng Long.

“Thì rõ rồi, di sản của Hà Nội mang hồn thiêng, khí phách Hà Nội; di sản ấy sống dậy, hòa nhịp trong xu hướng nghệ thuật hiện đại. Người trẻ Hà thành cũng yêu Hà Nội không kém gì lớp già chúng ta, chỉ có điều họ thể hiện tình yêu bằng sự sáng tạo của người trẻ. Thật tuyệt!” - ông bạn tôi ra chiều tâm đắc.

Như để minh họa cho lời khen dành cho những người sáng tạo trẻ, ông bạn tôi dẫn giải tận tường về lần đầu tiên công trình trăm tuổi Đại học Tổng hợp được “biến hình” thành tổ hợp sáng tạo độc đáo.

Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Quảng trường Cách mạng tháng Tám, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

Tòa nhà tiền thân là Viện Đại học Đông Dương ở 19 Lê Thánh Tông đó thực sự là một di sản kiến trúc của Hà Nội. Công trình mang đầy thương nhớ ấy do Kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard thiết kế năm 1926, cho đến nay vẫn giữ nguyên vẻ ngoài cổ điển sau gần 100 năm xây dựng.

Tháng 11/2013, công trình đã được HĐND TP Hà Nội đưa vào danh mục các công trình kiến trúc xây dựng trước năm 1954 cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa.

Và những người trẻ Hà thành hôm nay đã nối tiếp tình yêu Hà Nội, thổi vào không gian kiến trúc gần trăm tuổi không khí của đời sống nghệ thuật đương đại. Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác “Cảm tác Đông Dương” chính là sự đồng điệu, giao hòa giữa cũ và mới, giữa xưa và nay, là hành trình sáng tạo tiếp nối sáng tạo cho Thủ đô xứng danh một Thành phố Sáng tạo.

2. Còn nhớ, Lễ hội Thiết kế sáng tạo năm ngoái đã đánh thức Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm - những địa danh ghi dấu thời gian và bóng hình Hà Nội trong chặng hành trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thủ đô.

Những người Hà thành trẻ tuổi đã hòa nhịp trong hứng khởi xây dựng Thành phố Sáng tạo của Hà Nội, tạo ra sức sống mới tại các di sản công nghiệp ấy. Còn nhớ, “Chuyến tàu di sản” cháy vé, du khách xếp hàng dài vào tham quan Tháp nước Hàng Đậu…

Còn nhớ, 12 ngày âm vang trong sáng tạo đương đại, lễ hội để lại âm hưởng không dễ phôi phai trong lòng người Hà Nội khi 200.000 lượt khách đến trải nghiệm tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, 30.000 lượt khách tham quan Tháp nước Hàng Đậu, 26.000 vé tàu đã bán ra cho du khách trải nghiệm chuyến tàu di sản.

Cũng phải thôi, bởi 1.000 nhà sáng tạo nội dung đã chung sức đồng lòng, trao gửi tâm huyết và tình yêu Hà Nội cho những di sản công nghiệp quý giá ấy. Và sau sự kiện giàu cảm xúc đó, nhiều quận, huyện, tổ chức, DN đã bày tỏ mong muốn tiếp tục được khai thác giá trị các di sản kể trên.

Thế mới thấy, sức sống của di sản mãnh liệt đến nhường nào khi được đánh thức để bước vào đời sống đương đại. Bản thân di sản đã chất chứa trong nó câu chuyện dài về lịch sử, văn hóa và đời sống Hà thành, lại thêm những thể nghiệm nghệ thuật “thế hệ mới” chuyên chở theo khát vọng sáng tạo không biên giới của những người trẻ tuổi, nên di sản càng rạng rỡ và đầy sức hút.

Ông bạn già của tôi không giấu được vẻ phấn chấn: “Không chỉ đánh thức di sản bằng nghệ thuật, TP Hà Nội còn thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn triển khai thực hiện các hoạt động xây dựng Hà Nội - Thành phố Sáng tạo; thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa Hà Nội và các TP thành viên trong mạng lưới; hình thành trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội, các không gian sáng tạo TP Hà Nội...”. Nghĩa là Hà Nội sẽ còn nhiều cơ hội để đánh thức di sản sống dậy trong lòng TP.

3. Với ấn tượng không dễ phai phôi của mùa lễ hội đi trước, các nhà quản lý văn hóa Hà Nội có lý khi kỳ vọng “Giao lộ sáng tạo” của mùa lễ hội năm 2024 sẽ tiếp tục hấp dẫn công chúng với các tour, tuyến lễ hội đánh thức di sản văn hóa kiến trúc cổ. Qua đó, gợi mở các ý tưởng sáng tạo để các quận, huyện, tổ chức, DN cùng chung tay, phát huy tiềm năng các di sản văn hóa.

Người Hà thành hôm nay có thể đặt niềm tin ở tương lai của sự sáng tạo. Bởi trên hành trình thúc đẩy phát triển Thành phố Sáng tạo, Hà Nội không chỉ dừng lại ở việc tạo ra môi trường sáng tạo, mà còn coi trọng việc nâng cao nhận thức và khuyến khích sự tham gia của toàn bộ cộng đồng.

TP không chỉ tạo điều kiện cho sự đổi mới mà còn tìm cách gắn kết và khuyến khích tất cả các thành phần xã hội, từ cư dân đến các nhà thiết kế, nghệ sĩ, DN tham gia vào quá trình sáng tạo. Sự hòa nhịp này giúp tạo ra một môi trường cộng tác, nơi ý tưởng và sáng kiến từ nhiều nguồn lực khác nhau được khuyến khích và phát huy tối đa.

Nhìn về cuộc sống hiện đại hôm nay thấy nhiều người trẻ đang mê mải sáng tạo trên nền di sản, tạo ra những điều mới mẻ từ văn hóa truyền thống. Với tâm niệm “Di sản của cha ông cần được hiện diện một cách sinh động, đa chiều trong cuộc sống hiện đại”, nhiều người trẻ đã và đang tìm cách tiếp cận mới từ truyền thống, bằng tình yêu và sự sáng tạo, sức trẻ. Ấy là Nguyễn Quốc Hoàng Anh, Giám đốc Nghệ thuật của Dự án “Lên ngàn”; là Nguyễn Việt Nam, người sáng lập Tired City; là Nguyễn Khánh Dương, nhà sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty CP Comicola…

Nghĩa là Hà Nội sẽ còn nhiều cơ hội để đánh thức di sản trong lòng phố. Nghĩa là Hà Nội sẽ còn nhiều thêm nữa những ý tưởng sáng tạo được khơi nguồn để đồng hành trên con đường phát triển Thành phố Sáng tạo ở phía trước.