Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thức di sản văn hóa, làng nghề

Hoài Nam - Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khách trong nước và nước ngoài đến Hà Nội không thể không ghé qua Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội hay làng nghề gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc... Hà Nội đã biết tận dụng lợi thế của gần 6.000 di sản vật thể và phi vật thể, hơn 1.350 làng nghề để tạo dựng những thương hiệu riêng thu hút khách du lịch.

 Du khách tham quan tại làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Ảnh: Chiến Công
Giá trị của riêng Hà Nội

Quần thể kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám bao gồm: Hồ Văn, khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám và vườn Giám với kiến trúc chủ thể là Văn Miếu - nơi thờ Khổng Tử và Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Toàn bộ di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường gạch vồ bao quanh, phía trong chia thành 5 lớp không gian với các kiến trúc khác nhau. Với hơn 700 năm hoạt động đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước, cho đến nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là nơi tham quan của du khách trong và ngoài nước.

Cùng trong trục đường di sản, nối từ đường Văn Miếu đến đường Hoàng Diệu là khu di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, xuyên suốt 13 thế kỷ là nơi ngự trị của các vương triều Việt. Di sản văn hóa thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội rộng 18.000m2 trên tổng số hàng chục nghìn mét vuông tập trung ở khu khảo cổ học 18 Hoàng Diệu và khu vực thành cổ Hà Nội. Đây là nơi chứa đựng một di sản văn hóa vô giá không những tiêu biểu cho những tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn mang những giá trị có ý nghĩa toàn cầu nổi bật.

Khu di sản gồm một số di tích trên mặt đất, có niên đại sớm nhất là nền điện Kính Thiên thời Lê Sơ với bậc thềm đá và lan can đá chạm rồng làm năm 1467. Cửa Đoan Môn là cửa Nam của Cấm thành Thăng Long, rồi đến di tích thành Hà Nội thời Nguyễn có Cửa Bắc và Kỳ đài (thường gọi là Cột Cờ). Cuối thế kỷ XIX còn để lại một số kiến trúc quân sự của quân Pháp như Chỉ huy sở pháo binh xây dựng trên một phần nền điện Kính Thiên... Và có thể nói, không chỉ có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội mà Hà Nội còn vô số các di sản được hình thành và gìn giữ trong suốt chiều dài lịch sử nghìn năm.

Hà Nội cũng là mảnh đất của làng nghề, phố nghề với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Mỗi làng nghề của Hà Nội mang trong mình những nét đặc trưng văn hóa riêng, thể hiện từ cổng làng, đền thờ tổ nghề hay trong từng sản phẩm tinh xảo được tạo thành… Nhiều làng nghề nổi tiếng, thu hút sự quan tâm của khách du lịch như: Lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (huyện Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái, lược sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín)…

Cần đánh thức tiềm năng

Hà Nội mang trong mình kho tàng quý giá của di sản và làng nghề nhưng chưa được khai thác hết. Mỗi năm, lượng khách trong và ngoài nước du lịch tại Thủ đô ngày càng tăng nhưng cơ sở vật chất hiện tại của khu di tích vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của khách du lịch. Những khu vực chiếu nghỉ, ghế ngồi, quầy bán nước tự động… còn hạn hẹp.

“Khách đến thăm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội phải tưởng tượng quá nhiều, vì những giá trị di sản còn trên mặt đất quá ít so với lịch sử của di sản. May mắn là lòng đất còn bảo tồn được nhiều di tích, di vật của các thời kỳ lịch sử như nhiều nhà sử học, khảo cổ học thường nói là “có một Thăng Long - Hà Nội trong lòng đất” . Nhưng những giá trị ấy cần thời gian để khai phá” - PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam bày tỏ.

Ở lĩnh vực làng nghề việc thu hút khách du lịch không khác là mấy. Mặc dù các làng nghề của Hà Nội thu hút hàng nghìn khách du lịch đến tham quan, trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho công ty du lịch khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch mới. Tuy nhiên, hiện hầu hết các tour du lịch làng nghề mới chỉ dừng lại ở việc đưa khách đến tham quan, nghĩa là chỉ khai thác những giá trị “bề nổi” của làng nghề. Giám đốc Công ty du lịch Golden Tour Phạm Tiến Dũng phản ánh: Trong quá trình xây dựng, phát triển tour du lịch làng nghề, DN lữ hành gặp tình trạng làng nghề mạnh ai nấy làm, không phối kết hợp DN du lịch. “Làng nghề thiết kế sản phẩm nhưng người thợ lại không đủ kinh nghiệm để đoán định được sản phẩm có thực sự phù hợp với du khách hay không. Đây là lý do khiến các làng nghề Thủ đô hầu như chưa thể phát triển du lịch bởi còn thiếu quá nhiều yếu tố để trở thành điểm đến” - ông Dũng nói. Đồng tình với ý kiến này ông Nguyễn Văn Sử, Chi hội Làng nghề - Làng cổ - Làng văn hóa thuộc Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, nhiều làng nghề chủ yếu làm sản phẩm cung cấp cho thị trường, chưa khai thác hết tiềm năng điểm đến, thu hút du khách đến trải nghiệm, mua sắm sản phẩm ngay tại địa phương. Đó là lý do khi thị trường bị ảnh hưởng, làng nghề trở nên bị động tìm đầu ra.

Hà Nội đang muốn dựa trên tiềm năng sẵn có, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, chính quyền cũng như các đơn vị liên quan cần biết khắc phục những hạn chế, đưa ra những chiến lược bảo tồn và phát huy một cách bền vững các sản phẩm du lịch mang tính sáng tạo dựa trên giá trị truyền thống, tạo tiền đề để hậu Covid-19 có thể rộng cửa thu hút khách quốc tế, giúp di sản và làng nghề không ngủ yên.
Sở Du lịch Hà Nội sẽ tăng cường tổ chức các chương trình khảo sát, làm cầu nối cho các làng nghề với lữ hành để xây dựng thêm nhiều sản phẩm chất lượng, hấp dẫn, phù hợp với nhiều đối tượng du khách. Từ đó, chuẩn bị “sức khỏe” tốt nhất cho du lịch làng nghề Hà Nội “tăng tốc” ngay khi hết dịch Covid-19.

Phó Giám Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu