Nhìn lại một chặng đường sau hơn 4 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy thiết kế sáng tạo trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, đến nay, TP Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả. Nổi bật trong những kết quả đó là việc “đánh thức” các tiềm năng di sản văn hóa đã bị lãng quên theo hướng thiết kế, sáng tạo.
Bài 1: Hành trình đánh thức dòng chảy di sản
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã diễn ra được hơn 1 tuần lễ. Chỉ trong 3 ngày, lễ hội đã thu hút được hơn 70.000 người đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó, những di sản công nghiệp của Thủ đô như Nhà máy Xe lửa Gia lâm, Tháp nước Hàng Đậu, Ga Long Biên, Ga Gia Lâm… được “đánh thức”. Qua đó, cách ứng xử, cảm nhận của cộng đồng về di sản công nghiệp đã có sự thay đổi với nhiều kỳ vọng mới cho một TP đầy sức sống từ mạch nguồn di sản.
Tạo sức lan tỏa
Ngay sau khi trở thành thành viên UCCN, năm 2020, UBND TP Hà Nội đã phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức tọa đàm cấp cao “Tham vấn sáng kiến Hà Nội - Thành phố sáng tạo” nhằm trao đổi với các chuyên gia uy tín trong nước và quốc tế, các nhà đầu tư, DN các ý tưởng và sáng kiến hỗ trợ Hà Nội xây dựng và xác định chiến lược, kế hoạch dài hạn nhằm phát huy hiệu quả, vai trò là TP sáng tạo UNESCO và thu hút sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng trong nước và quốc tế.
Từ đó đến nay, TP đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch để giữ vững thương hiệu TP sáng tạo như Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 -2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 1/4/2022 về Triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO đến năm 2025; Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND ngày 08/12/2022 của HĐND TP Hà Nội quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ đối với Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
Đồng thời, trong các năm 2019 - 2023, nhiều sự kiện đã được Hà Nội phối hợp với các bên liên quan tổ chức nhằm hiện thực hóa các sáng kiến, cam kết của mình, đưa hoạt động thiết kế sáng tạo vào mọi mặt của đời sống. Trong đó có nhiều cuộc thi sáng tạo góp phần tái thiết đô thị, phát triển bền vững cho các tầng lớp Nhân dân, tập trung vào thế hệ trẻ như: “Thiết kế Không gian sáng tạo Hà Nội”, “Thiết kế Km số 0”, “Sáng tác về thầy giáo Chu Văn An”, “Ký họa Văn Miếu - Quốc Tử Giám” năm 2020; Cuộc thi “Hà Nội Sáng tạo”, “Thiết kế nghệ thuật Công cộng Hà Nội” năm 2022.
Cũng trong giai đoạn này, TP đã phát triển không gian các tuyến phố đi bộ, các không gian sáng tạo văn hóa, nghề thủ công trên địa bàn Thủ đô. Nếu như thời điểm nộp hồ sơ ứng cử năm 2019 Hà Nội chỉ có 2 Không gian tuyến phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố Trịnh Công Sơn thì đến nay đã phát triển thêm 4 không gian khác gồm: phố đi bộ và đường hoa trong không gian khu đô thị Bắc An Khánh, Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, Phố ẩm thực đêm và đi bộ đảo Ngọc - Ngũ Xã, Phố đi bộ Trần Nhân Tông - Công viên Thống Nhất…
Đặc biệt, quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo đưa vào hoạt động Không gian văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm và Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh, khánh thành Trung tâm tinh hoa Làng nghề Việt tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội).
Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, sau 3 năm tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội (từ 2021 đến nay), quy mô, chất lượng của lễ hội ngày càng được mở rộng, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ với giới sáng tạo của Thủ đô và cả nước. Nếu như năm 2021, với ảnh hưởng của dịch Covid-19, lễ hội chỉ diễn ra trong không gian nhỏ ở 22 Hàng Buồm; năm 2022, lễ hội mở rộng không gian sáng tạo ở khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, việc cải tạo không gian 2 di sản công nghiệp là Tháp nước Hàng Đậu và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành những không gian sáng tạo là việc làm rất phù hợp và kịp thời lưu giữ, phát huy những giá trị lịch sử, xã hội, khoa học - công nghệ, thẩm mỹ của di sản.
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)- GS.TS Từ Thị Loan
Năm nay, lễ hội mở rộng quy mô lớn với 60 hoạt động văn hóa với 4 công trình giới thiệu kiến trúc; 20 trưng bày và triển lãm; 20 hội thảo, tọa đàm, trong đó có 5 hội thảo quốc tế, 9 hoạt động giới thiệu nghệ thuật, chuỗi sự kiện cộng đồng.
Đánh thức di sản
Hà Nội là nơi hội tụ những di sản công nghiệp hàng đầu của cả nước, với những nhà máy, xưởng sản xuất từ thời Pháp thuộc, cho đến những nhà máy, phân xưởng được xây dựng ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 gồm nhiều hoạt động văn hóa nhưng hướng đến vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay, đó là cách ứng xử với những di sản công nghiệp. Đáng chú ý, rất nhiều hoạt động diễn ra tại các di sản công nghiệp cũ như: Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, Tháp nước Hàng Đậu… Những công trình tưởng như “ngủ quên” bao năm của Hà Nội đã được đánh thức, khoác lên một diện mạo mới đầy sáng tạo, ngẫu hứng, nghệ thuật và hấp dẫn.
KTS Nguyễn Hồng Quang - người cùng TOOB Studio thiết kế pavilion “Không gian Kiến trúc & Nghệ thuật Phân xưởng nóng” tại phân xưởng gia công nóng B1 của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm chia sẻ: “Mục tiêu của lễ hội là giúp mọi người yêu di sản hơn và phát triển nó trong tương lai. Đó là lý do chúng tôi quyết định giữ nguyên hiện vật ở đây, hầu như không động gì vào, chỉ làm sạch và cung cấp những chú thích để công chúng hiểu về hoạt động của công xưởng. Qua đó, tôi muốn truyền tải thông điệp rằng, những máy móc này đã có thời kỳ phục vụ cho những người công nhân, cho nhà máy, là một phần lịch sử thú vị”.
Là người thực hiện công trình biểu trưng cho Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 - sân khấu chính của các sự kiện - Pavilion “Bến chờ”, KTS Lê Quang Thạch chia sẻ: thiết kế pavilion được lấy cảm hứng từ ký ức của Nhà ga đường sắt. Nhà ga không chỉ là nơi trung chuyển, mà còn là nơi của chia xa, nơi của gặp lại, là nơi mang đến ký ức buồn vui qua những cuộc đợi chờ. "Bến chờ" không chỉ là một pavilion mang tính hoài niệm, đây còn là điểm dừng chân cho du khách mỗi lần cần nghỉ ngơi, để tĩnh lại lòng mình giữa tấp nập của thời cuộc, ngồi lại bên nhau, ngắm nhìn một vẻ đẹp đang bị lãng quên của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm”.
Với sự đóng góp của các pavilion trên, trung bình mỗi ngày, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thu hút 30.000 người đến tham quan, trải nghiệm, tham gia các hoạt động trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023.
Cũng nằm trong những điểm đến thu hút du khách trong Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023, Tháp nước Hàng Đậu đón tiếp khoảng 3.000 người/ngày. Tháp nước là nơi diễn ra không gian “Sắp đặt Nước & Di sản Tháp nước Hàng Đậu” được thiết kế bởi họa sĩ Nguyễn Đức Phương cùng những cộng sự. Đây là không gian sắp đặt ánh sáng từ vật liệu tái chế và hệ thống sắp đặt âm thanh của nước. Họa sĩ Nguyễn Đức Phương cho biết muốn dùng âm thanh tiếng giọt nước để đưa người ta đến những chiều không gian mênh mông, giống như một đồng hồ khổng lồ.
Nhiều nước có nền công nghiệp phát triển, đã chuyển đổi những nhà máy cũ thành không gian cho các nghệ sĩ thực hành nghệ thuật. Đó là cách tối ưu hóa nguồn lực khi tận dụng cơ sở vật chất đang có mà vẫn gắn kết kiến trúc nhà máy với đời sống người dân, giúp cho nó có tính bền vững hơn là đập phá đi và xây mới một thứ gì đó, làm mất hẳn lịch sử một nhà máy.
Giám đốc nghệ thuật Heritage Space Nguyễn Anh Tuấn
“Thông qua dự án lần này, tôi mong công chúng sẽ có ý thức và đóng góp đối với di sản. Đời sống tuy thay đổi theo thời kỳ, những di sản vẫn luôn mang lại giá trị cốt lõi. Bên cạnh đó, tôi cũng hy vọng người trẻ có cái nhìn, cách tiếp cận khác về nghệ thuật, từng bước tạo nên giá trị cho cộng đồng. Tôi mong nhiều không gian nghệ thuật hơn nữa được kiến tạo từ di sản như thế này” - họa sĩ Nguyễn Đức Phương chia sẻ.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo cho thấy thành công trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo. Bên cạnh đó, lễ hội còn giúp hình thành nên những ý tưởng cho việc tái thiết các di sản công nghiệp thành không gian hữu ích, đem lại những giá trị kinh tế - văn hóa - xã hội.
(Còn nữa)