Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đánh thức Nàng Han

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm dưới chân núi Phu Nhọ Khọ, đền thờ Nàng Han không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào ở xã Mường So (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), mà còn đối với cộng đồng dân tộc Thái trắng vùng Tây Bắc. Quần thể di tích đang được chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, với mục tiêu tạo điểm nhấn hướng đến phát triển du lịch cộng đồng.

Một tuyến đường xanh sạch đẹp ở xã nông thôn mới Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu).
“Hệ sinh thái” du lịch cộng đồng
Theo truyền thuyết, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở xã Chiêng Sa, nay là xã Mường So. Nàng đã đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh giặc xâm lược phương Bắc.
Sau khi dẫn đoàn quân chiến thắng trở về, Nàng Han gội đầu tại giếng ở thôn Tây An (xã Mường So) và bay lên trời. Tại đền thờ Nàng Han hiện nay vẫn gìn giữ được chiếc giếng cổ trong truyền thuyết, cùng nhiều hạng mục di dích xa xưa để lại.
Ông Đồng Văn Cường, một cao niên ở xã Mường So, bảo rằng Nàng Han trong tâm linh 16 xứ Thái, xứ Mường ở vùng Tây Bắc giống như Bà Trưng, Bà Triệu đối với người Kinh. “Nàng Han không chỉ có ở xã Mường So nói riêng hay địa bàn tỉnh Lai Châu nói chung, mà còn là nhân vật được tất cả cộng đồng dân tộc Thái trắng vùng Tây Bắc tôn thờ” - ông Cường nhắc nhớ về người nữ anh hùng. 
Chiếc giếng cổ, tương truyền là nơi Nàng Han gội đầu trước khi bay về trời đang được đầu tư nâng cấp.
Nhưng tại mảnh đất nằm dưới chân núi Phu Nhọ Khọ, bên dòng Nậm Lung không chỉ có đền thờ Nàng Han. Những năm qua, nhờ nguồn lực đầu tư lớn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã Mường So đã thực sự thay da đổi thịt. Mảnh đất được mệnh danh là “thung lũng mỹ nhân” đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn trên hành trình khám phá văn hóa vùng Tây Bắc.
Có dịp ghé thăm xã Mường So, đến với bản Vàng Pheo - một trong những bản cổ của người Thái trắng, mới thấy được nơi đây không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, mà còn có những nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc.
Văn hóa của người Thái trắng tại bản Vàng Pheo nói riêng vẫn được lưu giữ khá nguyên vẹn, từ nếp nhà sàn truyền thống đến những bộ váy của người phụ nữ được thiết kế cầu kỳ. Lễ hội văn hóa của người Thái trắng cũng được nhiều du khách quan tâm, điển hình như các lễ hội: Nàng Han (ngày 15 tháng 2 âm lịch), Then Kin Pang (mùng 10/3 âm lịch), Kin Lẩu Khẩu Mẩu (rằm tháng 9 âm lịch)…
Nếp nhà sàn truyền thống còn được gìn giữ khá nguyên vẹn tại xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu).
Văn hóa tinh thần của người Thái trắng cũng đa dạng với những điệu hát, điệu múa khăn, mùa xòe đặc sắc và những truyện thơ cổ.  Đặc biệt, đến với bản Vàng Pheo, du khách còn được thưởng thức nét ẩm thực độc đáo mà không phải nơi đâu cũng có được như: Cá bống vùi tro, sâu đá, rêu đá, cá muối chua, canh da trâu…
Nâng tầm di tích Nàng Han
Là di tích đặc biệt gắn liền với đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc Thái trắng ở xã Mường So cũng như cộng đồng vùng Tây Bắc, tuy nhiên, đền thờ Nàng Han lại chưa thực sự trở thành một điểm đến du lịch cộng đồng đúng nghĩa. 
Phó Chủ tịch UBND xã Mường So Bùi Quang Lịch cho biết, đền thờ Nàng Han đã được UBND tỉnh Lai Châu xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh. Năm 2013, ngôi đền được chính quyền địa phương đầu tư tôn tạo các hạng mục nhà thờ chính, kè giếng nước và khuôn viên cảnh quan xung quanh.
Đền thờ Nàng Han ở xã Mường So, huyện Phong Thổ (Lai Châu).
“Thực hiện Đề án số 30/ĐA-UBND của UBND tỉnh Lai Châu về xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng giai đoạn 2020 - 2025, vừa qua, đền thờ Nàng Han đã được đầu tư hơn 4 tỷ đồng, trong đó có khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, để nâng cấp tổng thể. Điều này không chỉ đáp ứng mong mỏi của đồng bào dân tộc Thái trắng nơi đây, mà còn góp phần phát triển hệ sinh thái du lịch cộng đồng bên dòng Nậm Lung…” - ông Lịch cho hay.
Nói thêm về tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng ở xã Mường So, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung cho biết, là địa phương vùng biên nhưng với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân, xã Mường So đã về đích nông thôn mới. Giao thông được kiên cố hóa giúp việc đi lại thuận lợi. Cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp giúp thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực…
“Thực tế, đồng bào dân tộc ở xã Mường So nói chung chưa thể sống nhờ du lịch. Nhưng tỉnh đã xác định và đang hết sức, quan tâm, đầu tư phát triển mô hình nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu. Cùng với đó là cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng phụ trợ. Đặc biệt là đầu tư, tu bổ di tích đền thờ Nàng Han trở thành một điểm đến hấp dẫn trên hành trình khám phá vùng Tây Bắc, qua đó tạo tiền đề phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương” - ông Trung cho hay.