Góp đồng dựng tượng Bác Hồ
Đến thăm khu di tích Đồi 79 mùa Xuân, hình ảnh đầu tiên hút mắt du khách là hai hồ nước xanh trong, với hoa sen, hoa súng đua nhau khoe sắc. Bao quanh hồ là đường đi bộ rợp bóng cây xanh mát. Từ chân đồi, qua 79 bậc thang sẽ đến nơi đặt bức tượng Bác Hồ. Theo lời kể của ông Nguyễn Văn Cố (năm nay 85 tuổi, một cựu giáo chức ở xã Thanh Lâm), ngay sau ngày Bác mất, người dân địa phương đã phát động phong trào trồng cây, phủ xanh ngọn đồi trên địa bàn bằng hàng trăm cây thông, phi lao…
Đặc biệt, 79 cây ăn quả cũng đã được Nhân dân trồng để tưởng nhớ công ơn của Bác. Cùng với đó, hai năm sau ngày Bác mất, để ghi nhớ công ơn của Người, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng Nhân dân xã Thanh Lâm (huyện Yên Lãng cũ, nay là huyện Mê Linh) đã công đức nhiều đồ gia dụng, thờ cúng bằng đồng quý giá để đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức tượng bằng đồng hoàn thành, nặng gần 800kg được đặt trên đỉnh đồi, là một trong những bức tượng Bác Hồ đầu tiên được xây dựng sau ngày Người mất. Tên gọi của khu đồi hoang sơ nhiều năm trước đó cũng được đổi thành 79 mùa Xuân.
Để ghi nhớ công ơn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quyết định công nhận Đồi 79 mùa Xuân là di tích văn hóa cấp tỉnh vào năm 2004. Suốt nhiều năm về sau, công trình tiếp tục được Nhân dân huyện Mê Linh (TP Hà Nội) tôn tạo, gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa.
Sớm đưa vào “bản đồ du lịch”
Để phát huy giá trị khu di tích Đồi 79 mùa Xuân, những năm gần đây, UBND huyện Mê Linh đã cho phép một DN tiếp nhận, tôn tạo và phát triển khu di tích trở thành một điểm đến trong hành trình du lịch văn hóa, tâm linh. Theo đó, DN này đã tiến hành đầu tư xây dựng, cải tạo lại cảnh quan Đồi 79 mùa Xuân như: Đài sen sau tượng Bác, Nhà tưởng niệm, Khu nhà thiền, Thác vạn Phật, Lầu phóng sinh… Trong số này, nổi bật là đền Báo Ân và chùa Linh Ẩn với đường nét kiến trúc tinh tế nằm ẩn mình dưới tán cây sao đen.
Mặc dù vậy, theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Mê Linh Đỗ Văn Cường, số lượng du khách đến với khu du lịch Đồi 79 mùa Xuân những năm qua vẫn còn khá khiêm tốn. Nguyên nhân quan trọng nhất là bởi hiện nay, tại khu di tích còn thiếu hệ thống dịch vụ như bán hàng lưu niệm, ăn uống, lưu trú… để có thể giữ chân du khách. Đại diện UBND huyện Mê Linh cho biết thêm, vừa qua, địa phương đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tiến hành khảo sát tour tuyến trên địa bàn. Theo đó, huyện đề xuất, kiến nghị TP đưa cụm di tích: Đền thờ Hai Bà Trưng, Đồi 79 mùa Xuân và chùa Trung Hậu, vào bản đồ du lịch của TP Hà Nội. Đề xuất này của huyện nhằm phát huy giá trị khu di tích Đồi 79 mùa Xuân.
Muốn thu hút được đông đảo du khách đến với Đồi 79 mùa Xuân thì phải tạo được cho di tích sự mới lạ, tính đặc thù và nét riêng có. Đây là vấn đề mà địa phương luôn trăn trở và đang tiếp tục có những nghiên cứu, định hướng thu hút đầu tư. Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn |