“Đánh thức” tiềm năng du lịch Tây Hồ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tây Hồ là một trong các quận, huyện của Hà Nội có nhiều tiềm năng du lịch, nhưng việc khai thác các thế mạnh sẵn có để thu hút du khách vẫn chưa được tận dụng hết.

Nhiều lợi thế

Từ 27 tháng Chạp đến mùng 10 Tết Giáp Ngọ, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 2,5 triệu lượt khách nội địa và 11 vạn lượt khách quốc tế, tăng 11,5% so với dịp Tết năm ngoái. Cùng với những điểm du lịch như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn…, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ… vẫn là một trong những điểm đến của du khách dịp đầu năm mới. Điều này khẳng định một phần quận Tây Hồ được Sở VHTT&DL Hà Nội chọn làm không gian ưu tiên phát triển du lịch trung tâm Hà Nội đến năm 2020 là đúng hướng với loại hình du lịch văn hóa, sinh thái, ẩm thực, vui chơi giải trí, làng nghề.
Du khách nước ngoài tham quan chùa Trấn Quốc.         Ảnh: Đức Giang
Du khách nước ngoài tham quan chùa Trấn Quốc. Ảnh: Đức Giang
Nói về tiềm năng du lịch của quận Tây Hồ, trong đó có Hồ Tây, ông Lê Văn Phượng - Phó Chủ tịch UBND quận cho biết: Hồ Tây không thuần túy là hồ nước lớn nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà trở thành một vùng văn hóa với kho tàng truyền thuyết đồ sộ với phỏng cảnh buổi sáng sớm, chiều, tối làm say đắm và lưu luyến lòng người. Đồng hành cùng Hồ Tây là quần thể di tích lịch sử văn hóa, trong đó có nhiều điểm nổi tiếng như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, chùa Tảo Sách, chùa Vạn Niên… Cùng với Hồ Tây, nhiều làng nghề truyền thống của quận Tây Hồ đã nổi danh từ xa xưa cũng đã trở thành thương hiệu thu hút du khách như nghề trồng đào ở phường Nhật Tân và Phú Thượng, trồng quất cảnh ở Quảng An và Tứ Liên, trồng sen và ướp trà sen ở Quảng An, nuôi cá vàng ở phường Yên Phụ.

Ngoài ra, việc khu vực Hồ Tây là nơi tập trung hệ thống các nhà hàng, khách sạn từ cao cấp đến bình dân là một thế mạnh không nhỏ để phục vụ du lịch. Với hơn 20 khách sạn cùng 30 cơ sở lưu trú và hàng chục nhà hàng đáp ứng được yêu cầu của nhiều đối tượng du khách. Khách sạn Sheraton Hà Nội, Sofitel Plaza, InterContinental Westlake, Thắng Lợi… có khả năng tiếp nhận và phục vụ cùng lúc nhiều du khách. Bên cạnh đó, Công viên Hồ Tây từ lâu đã trở thành điểm vui chơi giải trí hấp dẫn trong khi nhà hàng Sen có quy mô hoạt động lớn, khả năng phục vụ chuyên nghiệp cũng tạo cơ hội để quảng bá các món ăn mang dấu ấn của Thủ đô.

Sớm có quy hoạch cụ thể

Tuy Tây Hồ có tiềm năng và thế mạnh trong việc thu hút khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, nhưng để biến thành những sản phẩm du lịch hoàn thiện không dễ. Trước hết là sự vào cuộc của các cấp ngành từ TP đến quận, phường với nhận thức "tiềm năng phải được đánh thức" để mang lại hiệu quả thiết thực góp phần cải thiện và thúc đẩy kinh tế phát triển. Ông Lê Văn Phượng cho biết: Vùng trồng đào, quất cảnh đã có phân vùng khu vực để duy trì và phát triển hơn tiềm năng và nâng cao chất lượng sản phẩm; UBND quận đã quy hoạch và tổ chức chợ hoa Quảng An là đầu mối chuyên doanh về hoa và là điểm dừng chân của du khách. 100% các di tích đều đã được tu bổ, tôn tạo và quản lý chặt chẽ.

Tuy nhiên, điều lãnh đạo quận và những người làm du lịch quan tâm là làm thế nào để tận dụng tiềm năng sẵn có. Nhiều ý tưởng được đưa ra như, trên khu mặt nước Hồ Tây nên tổ chức các hoạt động dành cho du khách như đua thuyền, lướt ván, du ngoạn. Thật lý tưởng khi có đơn vị tổ chức cho khách thuê xe đạp, để những buổi sáng sớm hay chiều tà những người trẻ tuổi thong dong dạo chơi. Càng thú vị khi được thưởng thức hương sen Tây Hồ tinh khiết, lưu lại những khoảnh khắc bên đầm sen thơ mộng; ngồi trong chòi sen mạn đàm những câu chuyện về loài hoa thanh cao. Và hương vị ẩm thực từ cơm gói trong lá sen, bánh tôm Hồ Tây sẽ là điều níu gọi du khách quay trở lại nơi này…

"Điều chúng tôi trăn trở là cần phải quy hoạch hệ thống ẩm thực nhỏ lẻ nhưng khá đặc trưng thành nơi bán các món bún ốc, bún cá. Và một vấn đề không kém quan trọng là sự kết nối hệ thống các nhà hàng, khách sạn với các cơ sở lưu trú, hoạt động lữ hành nhằm tạo sự đồng bộ trong khai thác và phát huy các cơ sở hiện có" - ông Phượng cho biết. Ngoài ra còn cần đầu tư mạnh về hạ tầng cho vùng trồng đào, quất để người dân có điều kiện chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm, mở ra một hướng phát triển du lịch trải nghiệm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần