Rất may, theo đại diện Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, trong ngày 18, 19/6, sau khi triển khai đồng bộ các giải pháp, khối lượng rác thải được vận chuyển về Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã tăng cao. Đến hết ngày 20/6, các quận Cầu Giấy, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông và các huyện Thanh Trì, Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn đã giải phóng hết rác thải tồn đọng.
Trước đó, đúng những ngày cao điểm của đợt nắng nóng, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện tình trạng rác thải ùn ứ tại nhiều tuyến phố nội đô gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan và đời sống của người dân. Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là do hạ tầng Khu Liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn đang quá tải khiến phương tiện đi vào bãi khó khăn làm chậm tiến độ xử lý rác thải.
Ngoài ra, việc nhà máy đốt rác phát điện Thiên Ý chậm đi vào hoạt động cũng là nguyên nhân dẫn đến việc rác thải bị tồn đọng. Trong khi đó theo kế hoạch, từ ngày 30/4/2022, một lượng lớn rác thải phát sinh trên địa bàn TP sẽ được chuyển về nhà máy này để xử lý.
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như một số đơn vị thu gom rác tư nhân năng lực còn hạn chế, trời mưa quá lớn, giá nhiên liệu tăng cao...
Như trên đã nói, bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp một cách quyết liệt, tình trạng đáng buồn trên một lần nữa lại được khắc phục. Nói vậy bởi đây không phải lần đầu tiên Hà Nội rơi vào tình cảnh này. Và cũng không phải lần đầu tiên nó được giải quyết bằng các giải pháp tình thế, để rồi một lúc nào đó lại tái xuất.
Cũng cần nhắc lại là không phải không có cách giải quyết tận gốc vấn nạn trên, và nó cũng không mới mẻ, cao siêu gì. Đó là thay đổi phương pháp xử lý rác thải. Chúng ta đều biết, chôn lấp là phương pháp xử lý rác thải đơn giản nhưng tốn kém và gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Chưa kể không khí, nguồn nước ngầm có thể bị ô nhiễm trong quá trình rác phân hủy nếu không được xử lý tốt. Như vậy, rõ ràng là về lâu dài việc thay đổi phương pháp xử lý rác thải là điều cần thiết và chúng ta đang tích cực thay đổi theo định hướng này.
Tuy nhiên, để xử lý rác thải theo công nghệ tiên tiến, một trong những điều kiện quan trọng là thực hiện phân loại rác tại nguồn. Đó cũng là điều mà chúng ta đã nhận thức rõ và cố gắng thực hiện. Bằng chứng là việc này đã được đưa vào Luật.
Theo quy định tại Điều 75, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, từ ngày 1/1/2022, rác thải sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân (RTSH) phải được phân làm 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định, các cơ sở thu gom, vận chuyển RTSH có quyền từ chối thu gom, vận chuyển, đồng thời thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Việc không thực hiện phân loại RTSH tại nguồn cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số 55/2021/NĐ-CP, với mức phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Quy định theo luật thì như vậy, nhưng trong thực tế thì cho tới nay hầu như chưa có ai bị phạt theo điều luật nói trên và RTSH chưa được phân loại khiến khối lượng rác thải ngày càng tăng, việc xử lý rác theo công nghệ tiên tiến gặp khó khăn, trở thành nguyên nhân chính của những cơn bệnh ùn ứ rác luôn tái phát trong lòng Thủ đô xanh - sạch - đẹp của chúng ta.
Mong rằng thực tế nói trên sớm được khắc phục dứt điểm. Bởi nó không chỉ là một biểu hiện của tình trạng đánh trống bỏ dùi, khiến một chủ trương đúng đắn không đi vào cuộc sống mà còn là cơ sở để một căn bệnh khác cũng nguy hiểm không kém tồn tại: Bệnh nhờn luật!