Sáng 15/1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thu hồi đất phải bảo đảm cuộc sống nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ
Thảo luật tại phiên họp, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) đánh giá cao nỗ lực các cơ quan soạn thảo và thẩm tra, chỉ trong một thời gian ngắn từ sau Kỳ hợp thứ 6 đến nay đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu quốc hội để chỉnh sửa và hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) kèm theo bản giải trình khá rõ ràng, đầy đủ về các vấn đề đã chỉnh sửa. “Về cơ bản, nội dung dự thảo Luật đã khá hoàn chỉnh, có thể thông qua tại kỳ hợp này” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhận xét.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất phải cụ thể hóa được yêu cầu của Nghị quyết 18-NQ/TW, có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Đồng tình với quy định cụ thể về tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật của khu tái định cư tại điểm a khoản 2 Điều 110 “Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đạt tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, đạt tiêu chuẩn đô thị đối với khu vực đô thị”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị, đây là tiêu chuẩn tối thiểu đối với khu tái định cư. Nếu nơi nào có điều kiện có thể xây dựng khu tái định cư khu vực nông thôn nhưng đạt chuẩn của khu đô thị mới thì càng khuyến khích chứ không giới hạn. Do vậy, tại điểm này, cần thêm “Hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư không thấp hơn tiêu chuẩn nông thôn mới đối với khu vực nông thôn, không thấp hơn tiêu chuẩn khu đô thị mới đối với khu vực đô thị”.
Đồng tình với quy định về ưu tiên lựa chọn địa điểm của khu tái định cư tại khoản 3 Điều 110 “Địa điểm tái định cư được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau đây: Tại địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất thu hồi, sau đó mới mở rộng trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố, tiếp đó tại địa bàn khác có điều kiện tương đương”, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị bổ sung thêm một điểm: “Ưu tiên khu đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất ở địa bàn được lựa chọn làm khu tái định cư”. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, cần bổ sung quy định này để tránh tình trạng, có địa phương dành quỹ đất được quy hoạch đất ở có vị trí thuận lợi nhất cho đấu giá để thu tiền, còn khu vực xa, khó khăn không ai muốn mua thì bố trí khu tái định cư.
Dẫn chứng bài học thực tế tại Hà Nội, đại biểu Hoàng Văn Cường cho hay, các dự án tái định cư Đường Vành đai 4, Hà Nội đang thực hiện dành vị trí thuận lợi nhất cho tái định cư và xây dựng hạ tầng khu tái định cư ở nông thôn ngoại thành nhưng như tiêu chuẩn khu đô thị mới nên người dân phải di dời chỗ ở rất đồng tình, ủng hộ.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đánh giá cao quy định tại khoản 4 Điều 91 thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với người có đất bị thu hồi: “Nhà nước có trách nhiệm hỗ trợ cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản để tạo điều kiện cho người có đất thu hồi, chủ sở hữu tài sản có việc làm, có thu nhập, ổn định đời sống, sản xuất”. Theo đó, phương án hỗ trợ tốt nhất, bền vững nhất không phải là đưa tiền cho người dân mà phải tạo không gian, mặt bằng làm nơi sản xuất kinh doanh.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, nếu thu hồi đất đang là nhà xưởng sản xuất kinh doanh thì trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư phải có phương án tạo lập mặt bằng mới cho các hoạt động sản xuất kinh doanh phải di dời đến các vị trí thuận lợi nhất có thể tái lập hoạt động sản xuất kinh doanh. Nếu thu hồi đất nông nghiệp để không có thể chuyển đổi nghề nghiệp làm trong khu công nghiệp hoặc khu đô thị; thì trong phương án thu hồi bồi thường phải quy hoạch diện tích đất dịch vụ để để xây nhà cho thuê hoặc làm nơi bán hàng, kinh doanh dịch vụ để người bị mất đất có việc làm và thu nhập.
“Trong quy định về các đối tượng thu hồi đất mới chỉ có quy định về thu hồi đất cho khu tái định cư, chưa có quy định về thu hồi đất để tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người bị thu đất. Do vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm vào khoản 21 Điều 79 một nội dung: Thu hồi đất tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho người có đất bị thu hồi” - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.
Bổ sung, làm rõ chính sách đất đai cho người dân tộc thiểu số
Góp ý về nội dung thu hồi đất tại Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đề nghị bỏ Khoản 32 Điều 79 dự thảo Luật: “Trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung các trường hợp thu hồi đất của Điều này”.
"Các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng Điều 79 Dự thảo Luật quy định theo hướng liệt kê chi tiết, về cơ bản việc quy định này tạo điều kiện thuận lợi trong tổ chức thực hiện, nội dung cơ bản bao quát. Thế nhưng trên thực tiễn có thể phát sinh các trường hợp chưa được dự liệu, theo đó luật quy định Khoản 32. Tuy nhiên, việc quy định như Dự thảo Luật cũng chính là sửa đổi luật, không có giao thẩm quyền cho cơ quan khác, do vậy điều khoản này là không cần thiết" - đại biểu Hồ Thị Kim Ngân lý giải.
Đối với trường hợp thu hồi đất trong trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện, tại Khoản 1, Điều 48 Dự thảo Luật quy định về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện: “Cá nhân là người dân tộc thiểu số được giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này được để thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này", đại biểu cho rằng, việc quy định như Dự thảo Luật nhằm đảm bảo quỹ đất để thực hiện chính sách đất đai cho người dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, quy định này cần được bổ sung, làm rõ các quy định liên quan nhằm đảm bảo tính đồng bộ.
Cụ thể, Dự thảo Luật quy định về các trường hợp thu hồi đất gồm: Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh (Điều 78); thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 79); thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai (Điều 81); thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người (Điều 82), trong đó quy định tại khoản 2 Điều 82 “Người sử dụng đất giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất và có đơn tự nguyện trả lại đất”, cũng không thỏa mãn trường hợp thu hồi đất nêu trên. Đại biểu cho rằng, cần bổ sung một khoản vào Điều 82 Dự thảo Luật trường hợp này, để đảm bảo bao quát tất cả các trường hợp thu hồi đất, trên cơ sở đó hoàn thiện các quy định liên quan.
Bên cạnh đó, Dự thảo Luật chỉ quy định việc bồi thường tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người sử dụng đất chuyển khỏi địa bàn cấp tỉnh nơi có đất đến nơi khác sinh sống hoặc không còn nhu cầu sử dụng mà không tặng cho, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16. Còn đối với trường hợp người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế thuộc hàng thừa kế là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật này. Theo đại biểu, nếu chỉ quy định việc thu hồi đất, không quy định việc bồi thường tài sản gắn liền với đất là chưa đảm bảo hợp lý trong trường hợp có tài sản trên đất và có người thừa kế nhưng không là đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 16.